Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bị buông lỏng quản lý

Ngày 3-7, sau hai ngày xảy ra sự việc đau lòng: Trâu chọi số 18 của ông Đinh Xuân Hướng ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng húc tử vong chủ, chúng tôi có mặt tại các phường có trâu chọi nổi tiếng. Ý kiến của những người dân mà chúng tôi gặp đa số là đau xót về tai nạn trên.

Trâu số 18 không đủ tiêu chuẩn vẫn được vào chọi

Một chủ trâu nổi tiếng của phường Ngọc Xuyên bày tỏ: “Lễ hội này là truyền thống, là tinh thần của nhân dân Đồ Sơn. Nếu mất đi lễ hội chọi trâu thì Đồ Sơn còn gì? Trâu không có lỗi, lễ hội không có lỗi; lỗi tại việc tổ chức quá thương mại. Ngày xưa các cụ tổ chức đơn thuần, không ăn thua như bây giờ. Bây giờ những người không có kinh nghiệm huấn luyện cũng có thể tham gia. Thậm chí trâu không đủ tiêu chuẩn cũng được tham gia. Con trâu số 18 của phường Vạn Hương là một ví dụ. Con trâu này không làm lễ ở đình để trở thành “ông trâu” và có biểu hiện hung hăng nhưng không hiểu sao vẫn được vào thi đấu”.

Phía gia đình ông Đinh Xuân Hướng cũng công nhận con trâu của ông Hướng không thuần và có biểu hiện hung dữ trước khi vào thi đấu. Theo quy chế của lễ hội, trâu bắt buộc phải vào làm lễ ở đình làng để trở thành “thần” và được gọi là “ông trâu” mới được mang đi chọi. Trong khi đó ông Hoàng Đình Hùng, Chủ tịch UBND phường Vạn Hương, xác nhận: “Đến lúc làm lễ ở đình làng thì trâu số 18 của ông Hướng không đến làm lễ. Ông Hướng có mang dây buộc trâu vào làm lễ thay thế. Tuy nhiên, hồi tháng 4-2017 con trâu này đã làm lễ trình làng rồi...”.

Trả lời câu hỏi tại sao các chủ trâu phản ánh trâu số 18 có biểu hiện bất thường mà ban tổ chức (BTC) vẫn cho vào chọi, ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, trưởng BTC lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, cho biết: “Chủ trâu cũng như UBND phường Vạn Hương không báo lại với BTC. Nếu BTC biết việc này thì đã không có tai nạn bất ngờ kia”.

Người viết lại hỏi ông Hùng: Tại sao UBND phường không báo lên BTC? Ông Hùng trả lời: “Khi chúng tôi đi kiểm tra vẫn thấy trâu bình thường, không có dấu hiệu bất thường nào cả. Cả UBND quận cũng đi cùng và không thấy gì. Còn trong quá trình gia đình chăm trâu như thế nào thì BTC không nắm được”.

Ban tổ chức để các chủ trâu vào sân rất nguy hiểm. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG

Quản lý lễ hội bằng yếu tố... tâm linh?

Người dân cho rằng nhiều năm nay việc buông lỏng quản lý trong lễ hội chọi trâu trong khi BTC thu các loại phí quá nhiều gây nên tình trạng thương mại hóa, không hay cho lễ hội. Một số chủ trâu chọi cho biết họ đã phải đóng rất nhiều loại phí để “mua nốt” cho trâu chọi. Có những suất chủ trọi châu phải đóng tới 120 triệu đồng/nốt chọi. Tuy nhiên, ông Hiếu khẳng định: “Việc thu phí tôi khẳng định là không nhiều như chủ trâu nói”. Ông Hoàng Đình Hùng, Chủ tịch phường Vạn Hương, thì xác nhận: “Phường có thu của các chủ trâu 25 triệu đồng/trâu tham gia lễ hội. Số tiền đó BTC giao phường để làm các hoạt động phần lễ, bồi dưỡng các đơn vị thực hiện lễ hội...”.

Lãnh đạo phường Vạn Hương cũng xác nhận: Trong phần phí các chủ trâu nộp về cho BTC có cả việc giám sát hoạt động của các chủ trâu. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi: Ai sẽ là người kiểm tra quá trình chăm sóc, phát triển cũng như kiểm tra các hoạt động khác của trâu thì lãnh đạo địa phương không trả lời được.

Người viết cũng đã đặt vấn đề với lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn: Nhiều chủ trâu phản ánh có việc chủ cho trâu uống những dung dịch được coi là chất kích thích. BTC lễ hội đã làm gì để kiểm soát. Ông Hiếu cho biết quận quản lý rất chặt chẽ. “Trâu chọi không phải trâu thường mà là trâu thần. Không chủ nào dám làm thế với trâu thần. Nếu làm thế, chủ trâu có tội và trâu chỉ vào sân một lát là sẽ không đủ sức chọi. Chúng tôi không có người kiểm tra cụ thể nhưng đây là lễ hội tâm linh, mọi người đều phải sợ...” - ông Hiếu nói. Người viết hỏi kỹ thêm: “Vậy quận quản lý lễ hội này theo... tâm linh?”. Ông Hiếu khẳng định: “Đúng” (!).

Hơn nữa, việc quản lý an toàn cho lễ hội khá lỏng lẻo, dễ gây tai nạn. Cụ thể, hàng rào bảo vệ trong sân chọi quá lỏng lẻo, trâu chọi “say” dễ tấn công cả lên khán đài. Vài năm trước từng có nạn nhân là người huyện Kiến Thụy bị trâu húc suýt tử vong. Ông Hiếu cho rằng: “Đó là trâu húc ngoài sân vận động, nằm ngoài quy chế lễ hội của chúng tôi (?)”.

Bản thân PV từng tác nghiệp trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đều đã một vài lần nếm cảnh cầm máy ảnh chạy tan tác khi trâu phá hàng rào bảo vệ...

“Chúng tôi không đổ hết trách nhiệm cho chủ trâu”

Ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, trưởng BTC lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, khẳng định: “Chúng tôi không phát biểu rằng trách nhiệm thuộc về chủ trâu như một số thông tin đã đưa. Tôi nói rất rõ rằng: Nếu trâu có vấn đề mà chủ trâu không báo lên với BTC thì khi xảy ra vấn đề, chủ trâu phải chịu trách nhiệm.

Với gia đình ông Đinh Xuân Hướng, quận đã hỗ trợ 30 triệu đồng để làm lễ an táng. BTC có dùng một khoản phí mà các chủ trâu đóng để mua bảo hiểm rủi ro cho chủ trâu chọi ở bảo hiểm bưu điện. Mức bồi thường của bảo hiểm tối đa là 40 triệu đồng và tối thiểu là 15 triệu đồng.

Chọi trâu là lễ hội truyền thống, là đặc trưng của Đồ Sơn, đặc trưng của Hải Phòng, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đây là một tai nạn bất khả kháng. Bất cứ lễ hội nào trên thế giới cũng đều có những rủi ro. Chính vì vậy, chúng tôi mong rút kinh nghiệm và duy trì lễ hội truyền thống này”.

________________________________

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không phải chỉ ở phần chọi trâu mà ở giá trị tâm linh và phần lễ. Trong 28 năm qua chúng ta đã đặt đúng vấn đề thông tin về giá trị tinh thần của lễ hội hay chưa? Phần quảng bá lễ hội tại địa phương vẫn chỉ chú ý ở phần chọi trâu, ít đề cập phần giá trị thiêng liêng, cốt lõi di sản. Vì vậy, đề nghị Sở VH&TT TP Hải Phòng tham mưu cho UBND TP và UBND quận Đồ Sơn có cách tổ chức khác, phù hợp hơn.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL TRỊNH THỊ THỦY

V.THỊNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm