Lễ hội mùa xuân

Có thể thấy được “hội làng” là một kết cấu văn hóa quan trọng của làng xã, một biểu hiện sống động của văn hóa làng. Có những lễ hội đã vượt qua phạm vi cộng đồng làng. Nếu “làng ta mở hội thờ thần, chiêng khua trống giục xa gần vui thay” mà vị thần đó là một anh hùng dân tộc như Thánh Gióng ở hội Gióng, như An Dương Vương ở hội Cổ Loa… sẽ là ngày hội của cả nước. “Trẩy hội” là một nhu cầu mạnh mẽ trong đời sống tinh thần dân tộc. Ngoài ý nghĩa vui chơi giải trí, từ trong sâu thẳm của tâm thức Việt là sự khơi dậy tinh thần dân tộc, thể hiện lòng tôn kính, biết ơn những vị anh hùng cứu nước, các tổ phụ ngành nghề, các danh nhân văn hóa.…

Những lễ hội ấy kế tiếp nhau trong những ngày xuân. Mùng 5 tết, Lễ hội Đống Đa gắn liền với anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Lễ hội chùa Hương bắt đầu từ ngày mùng 6 tết kéo dài cho đến tháng Ba, riêng ngày mở hội đã có đến hơn năm vạn khách. Và rồi Lễ hội Yên Tử gắn với Phật hoàng Trần Nhân Tông, người anh hùng dân tộc, cũng là người sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, khởi đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba nhưng hai ngày mùng 5 và mùng 6, Yên Tử đã có hàng vạn người đến.

Lễ hội đền Gióng từ ngày mùng 6 đến mùng 8, biểu dương khí phách quật khởi và cảnh giác của cậu bé làng Gióng. Còn nằm trong nôi đã nghe tiếng vó ngựa giặc ngoại xâm, phải vụt lớn lên để đánh giặc cứu làng, cứu nước. Tan giặc, Phù Đổng Thiên Vương bay về trời. Truyện cổ tích Việt Nam ghi: “Ngày nay còn thấy dấu vết những dãy ao tròn nối nhau kéo dài suốt từ Kim Anh, Đa Phúc cho đến Sóc Sơn, người ta bảo đó là những vết chân ngựa của Thánh Gióng. Khu rừng bị ngựa sắt phun lửa thiêu cháy còn mang cái tên là làng Cháy”.

Huyền thoại đã biến thành lịch sử, tạc vào đất nước để nhắc nhở ý chí quật cường của dân tộc trong vị thế địa chính trị hiểm nghèo phải thường trực tinh thần cảnh giác… Những lễ hội ấy đã lưu giữ và làm ấm sáng mãi niềm tin vào nguồn mạch vô tận của sức mạnh dân tộc Việt Nam ta!

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm