Mùa lễ hội năm 2019 đã thực sự bắt đầu. Đây là năm đầu tiên Nghị định 110/2018 về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó quy định rất rõ về trách nhiệm của UBND.
Theo Nghị định 110/2018, nếu các địa phương có lễ hội không có giải pháp khắc phục tiêu cực, tiếp tục để xảy ra các hiện tượng phản cảm khiến dư luận xã hội lên án thì lãnh đạo địa phương sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Kỳ vọng đẩy lùi phản cảm, bạo lực
Trước đó, tại hội nghị tổng kết về công tác tổ chức lễ hội năm 2018, Bộ VH-TT&DL đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 như còn xảy ra hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội…
Tuy nhiên, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cũng cho biết các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực bằng nhiều giải pháp khác nhau cũng đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém heo giữa sân đình; hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) không có nội dung cướp phết và thay thế là thực hành trình diễn nghi lễ...
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số lễ hội chỉ chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung, giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng yếu tố bạo lực, phản cảm, không phù hợp với xu thế của thời đại…
Người đứng đầu Cục Văn hóa cơ sở cũng bày tỏ: “Lâu nay công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lễ hội đã sai. Điều đó cũng lý giải vì sao tại lễ hội mà bà già, trẻ con cũng lao vào cướp chiếu”.
Lễ hội vật cầu Thúy Lĩnh - Lĩnh Nam - Hà Nội năm 2019 để lại hình ảnh đúng với tinh thần lễ hội, đề cao tinh thần thượng võ và tính đoàn kết của nhân dân ta. Ảnh: VŨ NGỌC DŨNG
Nghe dân để tìm tiếng nói chung
Tiêu điểm của mùa lễ hội năm 2019 có lẽ là hình ảnh trong lễ hội bắt “ông cầu” (con heo) diễn ra tại xã Hà Thạch, Phú Thọ. Tại đây rất đông người dân đã tranh thủ sờ vào “ông cầu” và bứt vài sợi lông để lấy may.
Mặc dù chưa có hiện tượng chen lấn, xô đẩy như hình ảnh tiêu cực ở một số lễ hội khác nhưng việc bứt lông “ông cầu” để lấy may cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nhiều người đặt câu hỏi: “Giật lông, hành hạ con heo thì có gì may mắn ở đó?”. Chắc chắn những nghi lễ không phù hợp với thời cuộc như vậy sẽ còn diễn ra trong thời gian tới, rất cần sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Năm nay, ngoài việc đưa các văn bản chỉ đạo, Bộ VH-TT&DL cũng sẽ cử nhiều đoàn cán bộ đi làm việc với từng địa phương, nơi có các lễ hội “nóng” để cùng người dân tìm tiếng nói chung.
Mùa lễ hội năm nay, với nhiều văn bản chính sách và chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu lễ hội phải đảm bảo về an ninh trật tự, chỉnh sửa một số phần lễ không phù hợp, chúng ta có quyền kỳ vọng về một mùa lễ hội an toàn, không có những hình ảnh phản cảm, tranh cướp hay chen lấn, xô đẩy.
Trước Tết nguyên đán, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cũng ký văn bản đề nghị chấn chỉnh, thực hiện nghiêm các quy định trong việc tổ chức lễ hội. Văn bản đặc biệt nhấn mạnh tới việc không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Đồng thời cũng đề nghị thực hiện yêu cầu tạm ngừng tổ chức lễ hội nếu xảy ra những vi phạm nghiêm trọng. |