Ngày 23-1, Bộ VH-TT&DL có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019.
Theo nội dung văn bản, việc quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm như tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc, đốt đồ vàng tại một số di tích, đền, phủ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn cao. Cạnh đó việc khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích.
Để chấn chỉnh, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chỉ đạo địa phương mình thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đảm bảo lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.
Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; Không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; Không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; Loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Cạnh đó cần thực hiện kiểm kê, phân loại lễ hội, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội. Xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Bên cạnh rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các di tích, cơ sở thờ tự, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi thực hành tín ngưỡng và tham gia lễ hội, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác.