Lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo trong mưa nhiều cảm xúc

(PLO)- Hình ảnh cô trò nghiêm trang chào cờ, đội dù, khoác áo lên đầu dưới mưa chào cờ và ngồi dự lễ mà cứ thấy thương và yêu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo kế hoạch, chiều 19-11, toàn thể giáo viên, Ban đại diện cha mẹ học sinh và học sinh trường THCS Nguyễn Tất Thành, thị trấn Phước Dân huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) sẽ đến trường để dự Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Sân khấu được chuyển vào sảnh trường

Sân khấu được chuyển vào sảnh trường

Nhưng ngay từ sáng sớm trời sầm sập đổ mưa như trút. Cô Trịnh Thị Giải, hiệu trưởng thông báo cho các giáo viên chủ nhiệm "nếu trời vẫn mưa thì việc tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chỉ làm nội bộ trong giáo viên nhà trường, mời đại diện lãnh đạo địa phương và Ban đại diện Hội Cha Mẹ học sinh. Riêng học sinh trừ đội văn nghệ ra, các em có thể được phép ở nhà".

Phông màn đưa vào hành lang và hành lang cũng là sân khấu cho các tiết mục văn nghệ chào mừng.

15 giờ chiều trời ngớt mưa, học sinh ríu rít rủ nhau đến trường. Các tiết mục văn nghệ rộn ràng giọng hát, lả lướt các điệu múa, bước nhảy... Cầu thang rồi hành lang, học sinh chen nhau lấp đầy lối đi. Không chỉ học sinh mà rất đông phụ huynh, người đi bộ, người đi xe máy khoác áo mưa chở con cũng tới trường để chúc mừng các thầy cô giáo.

Lễ chào cờ dưới mưa

Lễ chào cờ dưới mưa

Lễ chào cờ, không ai bảo ai học sinh từ các hành lang, cầu thang cùng túa ra sân theo cô giáo. Mặt sân sũng nước không thể xếp hàng theo từng lớp nên tất cả vây tròn quanh trụ cờ ở giữa sân. Bài Quốc ca vang lên, cũng là lúc trời bắt đầu mưa nặng hạt, những cánh tay giơ lên chào nghiêm túc như buổi chào cờ đầu tuần. Cô trò, phụ huynh cùng hát theo tiếng nhạc Tiến quân ca, và không một ai dời đi dù áo đã ướt sũng...

Học sinh ngoan, học giỏi chính là món quà quý nhất, mà mỗi người thầy giáo mong muốn được nhận trong dịp lễ như thế này.

Thay vì hoa, những tấm thiệp được học sinh tự làm treo trên cây với lời chúc thân thương nhất gửi tới thầy cô.

Khác với vài nơi khác, mỗi khi có dịp như thế này thì tràn ngập hoa và quà, ở đây vẫn có hoa nhưng ít. Để ý mỗi vị đại diện lên phát biểu là có một bó hoa tặng nhà trường, nhưng sau cùng trên bàn cô Hiệu trưởng, cũng chỉ 1 bó hoa ấy thôi.

Thấy tôi thắc mắc chuyện hoa và quà, cô Hiệu phó chia sẻ, Trường THCS Nguyễn Tất Thành ra đời cách đây 12 năm, là đơn vị trường thành lập muộn nhất huyện, trường nhỏ ở vùng dân cư thuần nông, vỏn vẹn chỉ có 10 lớp học với 300 học sinh, trong đó gần một nửa các em thuộc gia đình là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Vào ngày lễ như thế này các giáo viên đều nói với học sinh là không nhận hoa và quà. Với trường chúng tôi học sinh ngoan, học giỏi chính là món quà quý nhất, mà mỗi người thầy giáo mong muốn được nhận.

Có một món quà rất nhiều, mà chúng tôi nhận được hôm nay là đây… Cô hiệu phó đưa tôi tới chân cầu thang, nơi ấy có một cành cây khô rất lạ, trên đó treo hàng trăm bức thiệp đủ màu sắc, nhỏ bằng bàn tay học sinh. Tất cả các bức thiệp và lời chúc cô thầy đều được học sinh tự làm, tự trang trí và tự treo trên cây.

Em Phạm Thị Yến Trinh nhà ở khu phố 10 thị trấn Phước Dân, hiện đang là học sinh lớp 9/1 của trường tâm sự: "Học ở trường đã 4 năm, con thấy thầy cô nào cũng thương quý học sinh. Hôm nay dù trời mưa, nhưng con rất vui được đến đây, để cùng các bạn tri ân các thầy cô giáo. Chắc chắn đây sẽ là kỷ niệm khó quên trong đời học sinh của mình".

Trời đã tối sẫm, mưa nặng hạt thêm, bên cây thiệp chúc cô thầy, vẫn còn mấy em nhà xa chờ cha mẹ đón về. Hình ảnh cô trò nghiêm trang chào cờ, đội dù, khoác áo lên đầu dưới mưa chào cờ và ngồi dự lễ mà cứ thấy thương và yêu.

Trân quý các cô thầy đã dạy dỗ các em bằng chính tấm lòng của mình. Chợt nhớ câu nói của ai "Nhìn học sinh sẽ biết ngôi trường cùng các thầy cô ở đó như thế nào".

Đúng thời điểm này năm ngoái, trường THCS Nguyễn Tất Thành, được huyện Ninh Phước trưng dụng 17 ngày, làm khu cách ly cho hơn 150 người dân ở các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch COVID-19. Một số giáo viên và nhân viên của trường xung phong phục vụ trong khu cách ly.

Mọi vật dụng của nhà trường đều được đem cho Ban Điều hành khu cách ly sử dụng. Nơi này được nhiều người gọi vui là 'khu cách ly văn hóa", bởi suốt ngày rộn rã tiếng nhạc, chiều tối mọi người đến cách ly có thể hát karaoke bằng chính hệ thống âm thanh của trường. Giáo viên của trường cùng với Ban chỉ đạo chống dịch của Thị trấn vận động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, cây trái, sũa… để giảm bớt sự đóng góp của người dân từ vùng dịch về.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm