Nhiều câu hỏi về kiểm toán và minh bạch tình hình tài chính của Vinashin đã được đặt ra với lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và cả đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách trong buổi họp báo về hoạt động kiểm toán ngày 29-7. Chủ đề này được báo chí quan tâm là sự sụp đổ của Tập đoàn Vinashin và khối nợ 80.000 tỉ đồng - khối nợ khổng lồ gấp 10 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước này.
“Nhờ” khủng hoảng tài chính toàn cầu…
Lý giải về việc không tiến hành kiểm toán để phát hiện sớm yếu kém của Vinashin, Phó Tổng kiểm toán Lê Minh Khái cho biết: Trước khi Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy được “nâng cấp” lên tập đoàn năm 2006, KTNN đã tiến hành kiểm toán doanh nghiệp này. “Quy mô của Vinashin lúc đó còn nhỏ và không phát hiện nguy cơ đáng kể nào”.
Đến 2008, khi có những ý kiến cảnh báo về sự gia tăng vốn vay cùng quy mô hoạt động, đầu tư ngoài ngành ở Vinashin, ý định kiểm toán đã được đề xuất. Ông Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, nói thêm: Khi bàn về kiểm toán Vinashin thì thấy từ đầu năm 2008 Thanh tra Chính phủ đã lên kế hoạch thanh tra toàn diện tập đoàn này nên KTNN đành rút. Sau đó, do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu, Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ hoãn thanh tra Vinashin và cả một số tổng công ty khác để doanh nghiệp tập trung chống đỡ khó khăn.
Theo kết quả kiểm toán ngân sách năm 2008, Viettel nâng cấp từ tổng công ty lên tập đoàn đã bị phát hiện thiếu 166 tỉ đồng thuế. Ảnh: HTD
Sẽ vào cuộc nếu có yêu cầu
Sang 2009, sai phạm và yếu kém ở Vinashin bộc lộ ngày càng rõ, với nguy cơ đổ vỡ lớn thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc. Đến đầu tháng 7 này, cơ quan kiểm tra Đảng đã kết luận nhiều vấn đề, dẫn tới việc đình chỉ chức vụ chủ tịch HĐQT với ông Phạm Thanh Bình. Cùng thời điểm này, Thanh tra Chính phủ sau nhiều lần trì hoãn đã ra quyết định thanh tra toàn diện Vinashin và Bộ Công an cũng nhận yêu cầu từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương chuyển sang để điều tra hình sự sai phạm của các cá nhân liên quan…
Với diễn biến dồn dập nêu trên, ông Khái cho rằng KTNN chưa thể cùng lúc tham gia vào kiểm toán được. Tuy nhiên, “nếu các cơ quan chức năng yêu cầu, chúng tôi sẽ triển khai ngay, kể cả việc phải dừng các cuộc kiểm toán khác để dồn lực cho Vinashin” - ông nói.
Quốc doanh trốn thuế khá nhiều
Cũng tại buổi họp báo này, KTNN đã công khai kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2008. Theo đó, vi phạm pháp luật thuế vẫn còn xảy ra ở không ít đơn vị, kể cả những “ông lớn” quốc doanh. Chẳng hạn, Vietnam Airlines đã kê khai sai doanh thu, chi phí và nhờ đó trốn thuế hơn 168 tỉ đồng. Viettel, vừa nâng cấp từ tổng công ty lên tập đoàn, bị phát hiện “ăn gian” 166 tỉ đồng thuế lẽ ra phải nộp ngân sách. Hai ngân hàng quốc doanh lớn là Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Ngoại thương cũng sai phạm thuế lần lượt là 160 và 196 tỉ đồng.
Với khu vực quốc doanh, kết quả kiểm toán báo cáo tài chính gần 200 doanh nghiệp, tổ chức ngân hàng cho thấy năm 2008, dù chịu tác động của suy giảm kinh tế, hầu hết đơn vị kinh doanh vẫn có lãi. Tuy nhiên, KTNN phát hiện hầu hết các đơn vị này đều kê khai thiếu thuế và các khoản phải nộp ngân sách khác, lên tới 548 tỉ đồng. Đáng chú ý, ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), cơ quan kiểm toán phát hiện ngân sách nhà nước đã cấp bù chi phí quản lý tới 935 tỉ đồng, gấp hơn hai lần chi phí quản lý thực tế ở đơn vị này. Đây là vấn đề các cơ quan chức năng cần làm rõ.
NGHĨA NHÂN