Theo TTXVN, Bộ Chính trị vừa có kết luận về những vấn đề xảy ra ở tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Bộ Chính trị nhận định mặc dù vẫn trong tầm kiểm soát và có thể khắc phục được nhưng nếu không có các chính sách, biện pháp đúng đắn, kịp thời, tình hình của Vinashin có thể ảnh hưởng xấu đến các tổ chức tín dụng, các đơn vị được nhận chuyển giao, ngân sách nhà nước, sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế…; ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, tác động tiêu cực đến ổn định chính trị-xã hội của đất nước.
Người đứng đầu năng lực hạn chế
Kết luận của Bộ Chính trị khẳng định trong quá trình phát triển, Vinashin đã bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng như đầu tư mở rộng quá nhanh, một số dự án trái với quy hoạch được phê duyệt, dàn trải trên nhiều lĩnh vực… thua lỗ nặng nề. Hiện ước tính dư nợ của Vinashin lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng; tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền.
Việc Vinashin làm ăn thua lỗ, theo Bộ Chính trị, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó trách nhiệm chính thuộc về HĐQT và ban lãnh đạo tập đoàn; đặc biệt là người đứng đầu đơn vị năng lực hạn chế, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, báo cáo không trung thực, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, HĐQT và người đứng đầu với chức năng đại diện trực tiếp chủ sở hữu đã có nhiều khuyết điểm, sai lầm trong tổ chức, quản lý, điều hành, nhất là trong việc xác định lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tổ chức quản lý các công ty con, công ty liên kết, tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài chính, vay và trả nợ.
Con tàu Vinashin sẽ thôi hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển. Ảnh: CTV
11 lần thanh-kiểm-tra vẫn không phát hiện
Cũng theo kết luận của Bộ Chính trị, trong vụ việc trên, một số cơ quan tham mưu liên quan thuộc Chính phủ, một số địa phương và một số cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát ở trung ương đã có thiếu sót, khuyết điểm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn; chưa sát sao giám sát, kiểm tra chặt chẽ và đánh giá đúng, kịp thời về công tác tổ chức, cán bộ và tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinashin; đến nay vẫn chưa phê duyệt được điều lệ tổ chức, hoạt động và quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ - tập đoàn Vinashin.
Đặc biệt, từ năm 2006 đến 2009, tuy đã qua 11 lần kiểm toán, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn không phát hiện được đầy đủ, kết luận đúng khuyết điểm nghiêm trọng của tập đoàn. Bên cạnh đó, chưa đưa ra được những biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả mặc dù những biểu hiện về những khó khăn, khuyết điểm của Vinashin đã được cơ quan thông tin đại chúng và dư luận phản ánh, cảnh báo từ sớm và nhiều lần.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm
Trước những vấn đề trên, Bộ Chính trị yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ khẩn trương cơ cấu lại tập đoàn Vinashin, cương quyết không để vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu. Đồng thời phát triển Vinashin tập trung vào ba lĩnh vực chính là: Công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển. Những lĩnh vực còn lại thì bán, chuyển nhượng, chuyển giao, cổ phần hóa cho các tổ chức kinh tế và cá nhân khác có nhu cầu phù hợp pháp luật hiện hành, sớm thu hồi vốn để tập trung cho nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu biển và trả nợ.
Đối với sai phạm của các cá nhân thuộc Vinashin, Bộ Chính trị yêu cầu sớm điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan. Đồng thời tiến hành tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng tình hình hiện nay và công khai, minh bạch tình hình tài chính cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khác.
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với Ban cán sự Đảng Chính phủ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kiểm điểm những tổ chức và cá nhân có liên quan ở trung ương và địa phương có thiếu sót, khuyết điểm trong việc quản lý nhà nước đối với tập đoàn Vinashin. Trong đó có việc thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu đối với tập đoàn Vinashin.
Thành lập ban chỉ đạo Bộ Chính trị yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng ban. Ban chỉ đạo gồm đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan thuộc Chính phủ, một số cơ quan Đảng (Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy khối Doanh nghiệp trung ương). Giao ban chỉ đạo đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong việc nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý để sớm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của tập đoàn Vinashin. |
THÀNH VĂN