Đừng để những “cơn giận” trên Facebook (FB) là hệ lụy của một quá trình dồn nén cảm xúc.
* Thạc sĩ xã hội học PHẠM THỊ THÚY (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM):
Học trò cần được định hướng về văn hóa ứng xử khi phản biện
Có nhiều vấn đề phải phân tích. Về khía cạnh xã hội học, đó là tín hiệu của sự suy thoái về đạo đức, sự xuống cấp giữa quan hệ thầy - trò (trước đây quan hệ thầy - trò rất đặc biệt, gói gọn trong chữ “tôn sư trọng đạo”). Nhiều nguyên nhân xã hội đã tác động xấu lên quan hệ thầy - trò. Giáo viên áp lực, gây căng thẳng lên trò. Trò bồng bột, phản ứng lại sức ép đó một cách tiêu cực. FB trở thành một kênh để học trò xả cơn giận dữ, kênh này quá phổ biến và cũng đầy nguy hiểm.
Thông tin ở đó ai cũng có thể đọc được, uy tín, danh dự của thầy cô giáo và nhà trường có thể đổ sụp vì những hành vi sỉ nhục, bêu xấu của trò. Học trò cần được định hướng về văn hóa ứng xử khi phản biện, cần được tạo cơ hội đối thoại với người thầy.
Những điều này nhà trường phải chủ động tạo ra. Giao tiếp là một tấm gương phản chiếu hành vi của người này lên người khác. Mình chê bai họ, họ sẽ chê bai mình. Mình cười vui, quan tâm họ, họ sẽ ân cần với mình. Đó là một quy luật tâm lý quan trọng không chỉ của nghề giáo.
* PHẠM HẢI BÌNH (cán bộ Trung tâm Hỗ trợ các chương trình phát triển xã hội):
“Là hệ lụy của cả một quá trình dồn nén cảm xúc”
Hành vi nói xấu thầy cô có thể do học sinh a dua, suy nghĩ, việc làm của bạn này lây lan qua bạn kia và bộc lộ một cách cảm tính. Tuy nhiên, tôi cho rằng những biểu hiện hỗn láo với thầy cô, những phản ứng có thể khiến người lớn sốc lại thường là hệ lụy của một quá trình dồn nén cảm xúc của các em.
Tôi từng tổ chức một buổi chia sẻ về kỹ năng đối với các bạn học sinh từ lớp 5-9, có cả cha mẹ học sinh tham dự. Khi tôi hỏi các em “Phản ứng như thế nào khi bị thầy cô mắng?” và khuyến khích các em cứ nói thật suy nghĩ của mình, nhiều em đã nói “chửi thầm” hoặc “muốn đánh cô”. Trả lời thật của các em đã khiến một số phụ huynh chứng kiến sửng sốt, lo ngại vì không thể tin con mình có suy nghĩ như thế.
Ở lứa tuổi vị thành niên, có rất nhiều thay đổi phức tạp về tâm sinh lý. Nếu cha mẹ, thầy cô ít quan tâm, hiểu biết, chỉ quen cư xử theo kiểu áp đặt, coi mình là đúng là chuẩn để dạy con thì sẽ không thể đọc được suy nghĩ của con cái. Trong trường hợp này người lớn thường hay choáng, sốc khi nhiều suy nghĩ, hành động thật của các em bất ngờ lộ ra và vội vàng quy tội các em là hỗn láo, xuống cấp đạo đức mà chưa nhìn thấy phần trách nhiệm của mình trong đó.
Những ấm ức do bị áp đặt, bị hiểu nhầm, bị mắng oan, những thất vọng từ hành động, thái độ thiếu công bằng và yêu thương từ cha mẹ, thầy cô tích tụ dần đến một ngày sẽ bột phát thành hành động, lời nói. Đôi khi những dồn nén quá mạnh khiến các em không kiểm soát, không lường hết hậu quả mình gây nên. Không tìm được nơi để giãi bày, đương nhiên các em sẽ tìm đến thế giới mạng, nơi mà các em nghĩ là an toàn nhất để xả.
Vì thế tôi cho rằng trong câu chuyện “học sinh nói xấu thầy cô” hay “con cái nói xấu cha mẹ”, người lớn cũng nên xem lại cách hành xử của mình. Trong gia đình, cha mẹ cũng cần tạo cơ hội để xích lại gần con, làm bạn với con. Việc cấm đoán là điều không nên và khó có thể giải quyết dứt điểm vấn đề này. Hãy làm sao để các em có thể hiểu được sai lầm, biết được hậu quả của việc mình đã làm, hãy để các em tin tưởng chia sẻ và sửa chữa sai lầm.
Có thể xem xét để xử lý Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết những hành vi nêu trong bài viết “Lên Facebook nói xấu thầy cô” trên báo ngày 31-3-2014 có thể bị xem xét để xử lý vi phạm hành chính căn cứ nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Đó là hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu - 30 triệu đồng. Tuy nhiên, vì đối tượng là học sinh chưa thành niên nên việc xử lý hành chính có một số nét đặc thù, mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay... ĐỨC THIỆN Nói xấu giáo viên qua mạng: tại sao? Chuyện học sinh nói xấu giáo viên qua mạng trước hết không phải là lỗi của bản thân các em. Cái lỗi trước hết xuất phát từ chính nền giáo dục. Như mọi người thường đồng ý rằng chức năng của bất cứ nền giáo dục nào cũng phải vừa trang bị kiến thức khoa học, nghề nghiệp cho người học vừa đào luyện họ về mặt đạo đức, để sau này người học vừa có kiến thức nghề nghiệp để làm việc, vừa có hiểu biết về đạo đức, chuẩn mực, giá trị để làm người hợp chuẩn trong xã hội. Một nền giáo dục mà trong đó có những học sinh dám dùng những từ ngữ không hay để chê bai, nói xấu giáo viên thì trước hết đó là vì nền giáo dục ấy đã không làm tròn trách nhiệm của mình, bởi những hành xử của học sinh một phần là kết quả của nền giáo dục. Do đó, trước hết nền giáo dục phải xem xét lại việc giáo dục đạo đức, giáo dục nhân bản của mình, cần phải hướng dẫn học sinh cách sống, cách ứng xử, cách tiếp cận và sử dụng các phương tiện kỹ thuật mới một cách thích hợp với mong đợi của xã hội. Chọn cách cấm các em là một giải pháp “ngọn”, một giải pháp dễ dàng cho nhà trường chứ không phải giải pháp mang tính bền vững, một giải pháp thông minh vì nó cho thấy nhà quản lý chưa động não nhiều trước vấn đề phát sinh. Hiện tượng học sinh nói xấu giáo viên qua mạng xã hội cho thấy chúng ta còn nhiều việc phải làm trong giáo dục thế hệ trẻ. Do đó cần phải cùng nhau suy nghĩ, chứ lên án hay cấm đoán không phải là cách lâu dài. LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM) |
Theo VĨNH HÀ - L.TRANG (TTO) ghi