Lệnh cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ qua cửa Hạ viện Mỹ

Dự luật Cấp phép quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 Hạ viện Mỹ thông qua ngày 26-7 có hai nội dung quan trọng: cấm bán tiêm kích tấn công tàng hình F-35 Lightning II  cho Thổ Nhĩ Kỳ và cấm sử dụng công nghệ từ các tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc.

Dự luật cấm chính phủ Mỹ chuyển giao tiêm kích tấn công tàng hình F-35 Lightning II  cho Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Động thái này cho thấy sự căng thẳng trong mối quan hệ hiện tại giữa Washington và Ankara.

Tiêm kích tấn công tàng hình F-35 Lightning II của Mỹ. Ảnh: LOCKHEED MARTIN

Tiêm kích tấn công tàng hình F-35 Lightning II của Mỹ. Ảnh: LOCKHEED MARTIN

Lệnh cấm sẽ được cân nhắc sau khi Lầu Năm Góc đánh giá mức độ tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình hợp tác F-35 và những rủi ro có thể xảy ra từ việc nước này phát triển hệ thống S-400.

Ngoài ra, dự luật cũng áp đặt kiểm soát lên các hợp đồng của chính phủ Mỹ với 2 tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc là ZTE và Huawei Technologies. Nói rõ hơn, chính phủ Mỹ không được phép mua các thiết bị và dịch vụ từ ZTE và Huawei vì công nghệ của 2 tập đoàn này bị cho là đe dọa đến an ninh mạng của Mỹ.

Dự luật Hạ viện Mỹ vừa thông qua cấm chính phủ Mỹ mua các các thiết bị và dịch vụ từ 2 tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc là ZTE và Huawei Technologies. Ảnh: AFP

Dự luật Hạ viện Mỹ vừa thông qua cấm chính phủ Mỹ mua các thiết bị và dịch vụ từ 2 tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc là ZTE và Huawei Technologies. Ảnh: AFP

Dự thảo dự luật ban đầu có nội dung khôi phục cấm vận đối với tập đoàn ZTE, nhưng nội dung này không xuất hiện trong dự luật được Hạ viện thông qua. Một lý do cho việc này có thể là Nhà Trắng đã phản đối cấm vận vì ZTE đã ký thỏa thuận nộp 1,7 tỉ USD tiền phạt và thay đổi hệ thống quản lý. ZTE đã chấp nhận mức phạt trên để Mỹ xóa cấm vận 7 năm sau khi dính án bán thiết bị cho Iran và Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hai quốc gia này hồi đầu năm nay.

Trong một động thái khác nhắm tới đầu tư Trung Quốc, dự luật đã tăng quyền lực cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) - nơi xem xét mua bán, sáp nhập các công ty nước ngoài, đánh giá liệu chúng đe dọa an ninh quốc gia hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm