Một nhóm nghị sĩ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày 17-5 đề xuất Quốc hội Mỹ một dự luật cấm bán tiêm kích tấn công tàng hình đa chức năng F-35 Lightning II thế hệ thứ 5, cũng như tài sản trí tuệ và dữ liệu kỹ thuật cho nước “đang gia tăng thù địch và độc tài” Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo dự luật, Mỹ chỉ có thể bán hay cung cấp F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ một khi tổng thống Mỹ xác nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ không “có các bước đi làm suy giảm năng lực NATO, rò rỉ tài sản quân sự NATO cho các bên thù địch, hay làm hại an ninh chung của các nước thành viên NATO”.
Ngoài ra, phải có sự đảm bảo của tổng thống Mỹ rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không “mua vũ khí quốc phòng từ một nước bị Mỹ trừng phạt”, hay có hành động quân sự vi phạm luật pháp quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ được biết đang muốn mua 116 tiêm kích F-35 theo các thỏa thuận đã được hai bên ký trong các năm 2014, 2016, theo chương trình Máy bay tiêm kích tấn công kết hợp (JSF) của NATO.
Máy bay tiêm kích tấn công tàng hình F-35 Lightning II của hãng Lockheed Martin (Mỹ). Ảnh: REUTERS
Lô chuyển giao đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian 2018-2019, nhưng đang gặp trục trặc vì bất đồng ngày càng lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ở hàng loạt vấn đề. Có thể kể đến chiến dịch quân sự “Cành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và việc nước này quyết định mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Theo nghị sĩ Dân chủ David Cicilline, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, động thái này nhằm gây áp lực để Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ đúng các tiêu chuẩn của NATO cũng như hạn chế chia sẻ tài sản quân sự của liên minh với “các bên thù địch”.
“Chúng ta không thể làm ngơ thái độ đáng chỉ trích của Thổ Nhĩ Kỳ. Bất kỳ thể chế nào vi phạm nhân quyền và liên tục xung đột với quyền lợi chúng ta phải chịu hậu quả. Cấm bán vũ khí này cho Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là chuyện nhỏ. Quan trọng là chúng ta giữ được các thành viên NATO gắn bó với cùng tiêu chuẩn của khối” – theo nghị sĩ Cicilline.
Theo Russia Today, lý do chính của bước đi này là vì Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không S-400 từ cuối năm 2017.
Các nước NATO lo ngại việc vận hành cùng lúc máy bay tiêm kích tấn công F-35 và hệ thống phòng không S-400 có thể làm giảm hiệu quả của chương trình JSF trị giá hàng tỉ USD, khi Thổ Nhĩ Kỳ có ý định kết hợp tất cả hệ thống thông tin của F-35 với mạng lưới hệ thống không quân của mình.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: EURONEWS
Trước khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thỏa thuận mua bán các hệ thống S-400 Mỹ đã liên tục bày tỏ lo ngại với phía Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng nói hệ thống S-400 “không tương thích với các hệ thống của NATO”.
Đầu tháng 4, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Wess Mitchell cảnh cáo rằng Mỹ có thể trừng phạt và cấm bán máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì thỏa thuận mua S-400 của Nga. Đầu tuần này, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đề xuất một dự luật cấm bán các “thiết bị quốc phòng lớn” đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong số tác giả dự luật cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ có nghị sĩ Gus Bilirakis. Ông Bilirakis cũng đang tìm kiếm ủng hộ cho dự luật “Di chuyển vũ khí hạt nhân Mỹ từ Thổ Nhĩ Kỳ” vẫn chưa được trình lên Quốc hội. Theo nguyên tắc chia sẻ hạt nhân NATO, Mỹ triển khai rải rác khoảng 180 quả bom hạt nhân B61 ở châu Âu, 50 quả trong số đó ở căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra còn ở 5 địa điểm khác ở các nước Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý.
Trong một bức thư gửi các nghị sĩ Mỹ, ông Bilirakis cho rằng việc để 50 quả bom hạt nhân B61 ở Thổ Nhĩ Kỳ là phi lý và nguy hiểm.
“Trữ vũ khí hạt nhân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ lúc này không còn ý nghĩa. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí không có máy bay để di chuyển sử dụng chúng. Họ có thể có nếu Mỹ bán máy bay F-35 cho họ, điều mà tôi phản đối. Thổ Nhĩ Kỳ hiện có các quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự sâu sắc với Nga và Trung Quốc – hai mục tiêu chính mà F-35 cần phải ngăn chặn thậm chí phải đối đầu khi cần thiết” – theo ông Bilirakis.