Mới hồi cuối năm 2017, Nga chấp thuận bán hệ thống tên lửa phòng không đất đối không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tích hợp công nghệ Nga vào hệ thống phòng thủ Bắc Đại Tây Dương khi hợp đồng trị giá 2,5 tỉ USD này hoàn tất, theo RT.
Hôm 7-2, ông Sergey Chemezov, Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghệ quốc gia Nga Rostec, ngỏ ý sẵn sàng bán hệ thống S-400 Triumf hay còn gọi là SA-21 Growler theo định danh của NATO cho Lầu Năm Góc.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: RT
“S-400 không phải hệ thống tấn công mà là hệ thống phòng thủ. Chúng tôi có thể bán cho Mỹ nếu họ muốn" – ông Sergei Chemezov trả lời khi được hỏi lý do Moscow bán S-400 cho Ankara trong bài phỏng vấn đăng trên tờ Washington Post.
Hệ thống S-400, do Cục thiết kế trung ương Almaz của Nga phát triển, được đưa vào biên chế quân đội Nga từ năm 2007. Hệ thống có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 40 km đến 400 km. S-400 còn được cho là một trong những yếu tố quan trọng giúp chiến dịch tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria của Nga thành công.
Almaz đang phát triển hệ thống S-500. Trong thời gian này, các đơn hàng S-400 tăng mạnh. Ngoài Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Qatar, Saudi Arabia đang đàm phán với Nga để mua S-400.
Nhu cầu mua S-400 tăng cao một phần do hệ thống phòng thủ này có độ tin cậy cao và nhờ có lịch sử lâu đời của dòng hệ thống phòng thủ S. S-200, cũng do Almaz phát triển từ những năm 1960, vẫn nằm trong biên chế quân đội nhiều nước.
"Khi tình hình chính trị thế giới căng thẳng, mọi quốc gia tất nhiên đều tìm cách đảm bảo an ninh, an toàn không phận. Đó là lý do nhu cầu mua hệ thống tên lửa tăng mạnh. Nhiều nước muốn mua hệ thống phòng thủ như vậy. Chúng tôi có nhiều đơn hàng. Tất nhiên là chúng tôi có cạnh tranh với Mỹ và hệ thống của chúng tôi tốt hơn" – ông Chemezov cho biết.
Đối thủ trực tiếp của S-400 là hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. S-400 có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km, hạ mục tiêu từ khoảng cách 400 km. Còn với Patriot hai thông số trên lần lượt là 180 km và 130 km. Cả hai đều có khoảng cách tối thiểu đánh chặn mục tiêu, S-400 là 2 km còn Patriot là 10 km.
Hệ thống tên lửa S-400 và Patriot có thể đánh chặn mục tiêu với tốc độ tối đa 17.280 km/giờ và 7.920 km/giờ. Ngoài ra, hai hệ thống có tốc độ ứng phó tương đương nhau, chưa đến 10 giây, nhưng hệ thống S-400 triển khai nhanh hơn, từ chế độ di chuyển sang chiến đấu chỉ trong năm phút. Hệ thống Patriot cần tới 25 phút.
Dựa vào những thông tin trên, Chemezov đề xuất Mỹ có thể mua S-400 để bảo vệ không phận. "Chuyện này không có vấn đề gì, theo quan điểm chiến lược và an ninh", ông Chemezov nói. "Ngược lại, một quốc gia sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu có thể bảo vệ tốt không phận. Những bên có ý định tấn công phải suy nghĩ kỹ".
Với việc phân tích tính năng vượt trội của cả S-400 và Patriot, ông Chemezov đề xuất Mỹ có thể mua S-400 để bảo vệ không phận. “Nhìn từ quan điểm chiến lược và an ninh, chuyện này không có vấn đề gì cả. Ngược lại, một quốc gia sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu có thể bảo vệ tốt không phận. Và những bên có ý định tấn công quốc gia đó phải suy nghĩ thấu đáo”.