Dẫn các nguồn tin tại LG, Hãng tin Korea Herald (Hàn Quốc) cho biết: LG đang xem xét xử lý các nhà máy sản xuất điện thoại ở Việt Nam, Brazil và Trung Quốc. Có khá nhiều sự lựa chọn khác nhau như chuyển đổi mục đích hay đóng cửa.
Một nhà máy sản xuất điện thoại của LG tại Brazil đã phải tạm dừng hoạt động. Đây là nhà máy có đến 15.000 công nhân, và chỉ mới có 1/3 số công nhân này được điều chuyển sang làm các nhà máy khác của hãng. Ngoài ra, các nhà cung ứng nguyên vật liệu điện thoại cho LG cũng phải đóng cửa theo.
Tại thị trường Việt Nam, trước đây LG xem xét chuyển đổi nhà máy sản xuất điện thoại sang sản xuất các thiết bị gia dụng, nhưng các nguồn tin tại LG cho rằng, vấn đề này vẫn đang được xem xét chứ chưa có quyết định cuối cùng.
Trước đó, vào đầu năm 2021, LG đã đàm phán với Vingroup để bán mảng điện thoại nhưng thất bại vì 2 bên không tìm được tiếng nói chung về giá.
Mỗi năm, LG sản xuất 10 triệu điện thoại, trong đó, nhà máy đặt tại Việt Nam chiếm nửa con số này, còn các nhà máy tại Brazil và Trung Quốc chịu trách nhiệm phần sản lượng còn lại.
Khởi động mảng điện thoại từ năm 1995, sau 26 năm, LG đã đi một chặng đường từ thành công cho đến thất bại.
Giai đoạn 2000-2005 là thời kỳ hoàng kim của hãng điện thoại Hàn Quốc này, đặc biệt là sự ra đời chiếc điện thoại "Chocolate" đã bán hơn 20 triệu chiếc khắp thế giới.
Đến năm 2008, LG là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới. Và kỷ nguyên của LG đã chấm dứt với sự ra đời của iPhone.
Nhưng đến năm 2014, LG lấy lại danh tiếng với chiếc điện thoại G3 với hơn 10 triệu chiếc bán trên toàn cầu. Tuy nhiên, với sự ra đời chiếc V10, mảng kinh doanh điện thoại của LG lại rơi xuống dốc do chiếc điện thoại này dính quá nhiều lỗi công nghệ.
Sau khi loại bỏ dòng điện thoại G và V thì LG nỗ lực phục hồi mảng kinh doanh điện thoại với chủ lực LG Velvet và LG Wing, nhưng cũng thất bại. Năm 2020, hai dòng điện thoại này chỉ bán được chưa đầy 100.000 chiếc.
Đến năm 2020, LG đã tích lũy khoản lỗ lên đến 4,4 tỉ USD riêng mảng điện thoại.
Yonhap, Korea Herald