Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc hôm 16-1 tuyên bố rằng Iran đã tuân thủ thỏa thuận ngày 14-7-2015 với sáu cường quốc thế giới về việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này, cho nên lệnh trừng phạt đối với Tehran sẽ được dỡ bỏ.
"Iran đã thực hiện tất cả biện pháp cần thiết theo thỏa thuận tháng 7 để tạo điều kiện cho ngày thực hiện thỏa thuận diễn ra" - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết trong một tuyên bố. Như vậy, thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và phương Tây sẽ có hiệu lực vào ngày 16-1.
Trong một động thái bất ngờ trùng hợp với việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, Tehran đã công bố việc thả năm công dân Mỹ như là một phần của việc trao đổi tù nhân với Washington. Phía Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố ân xá ba người Mỹ gốc Iran bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif trong cuộc gặp hôm 16-1. (Ảnh: Reuters)
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và thỏa thuận tù nhân góp phần đáng kể giảm đi sự thù địch giữa Tehran và Washington vốn đã hình thành kể từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Hàng chục tỉ USD giá trị tài sản của Iran giờ sẽ được "giải tỏa" và các công ty toàn cầu trước đây bị cấm hoạt động kinh doanh sẽ có thể khai thác một thị trường "đói khát" cho tất cả mọi thứ từ ô tô đến các bộ phận máy bay.
Chỉ vài phút sau đó, Mỹ đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran liên quan các ngành như ngân hàng, thép, vận tải và các biện pháp trừng phạt khác cũng "ra đi".
Liên minh châu Âu cũng bắt đầu quá trình dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Bộ trưởng Bộ Vận tải Iran cho biết Tehran có kế hoạch mua 114 máy bay dân sự từ hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu.
"Đây là bước tiến quan trọng giúp Mỹ, các đồng minh và cả thế giới an toàn hơn. Tôi xin chúc mừng Tổng thống Obama và nhóm của ông và tôi tự hào về vai trò tôi đã đảm trách để giúp quá trình này bắt đầu" - cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói.
Sự kết thúc của lệnh trừng phạt đánh dấu thành công của Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Các biện pháp trừng phạt kinh tế, chủ yếu áp dụng trong năm năm qua đã cô lập quốc gia 80 triệu dân này với hệ thống tài chính toàn cầu, hạn chế xuất khẩu của Iran và các biện pháp khắc nghiệt khác về kinh tế đối với người dân Iran.