LHQ mạnh tay trừng phạt Triều Tiên vụ thử tên lửa

15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 22-12 đồng lòng thông qua một nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 ngày 29-11 vừa qua.

Nghị quyết do Mỹ soạn thảo. Tên lửa ICBM Hwasong-15 Triều Tiên thử ngày 29-11 có tầm bắn tiêu chuẩn tới 13.000 km, có khả năng đặt nước Mỹ vào trong tầm bắn. Mục tiêu của nghị quyết trừng phạt này là hạn chế Triều Tiên tiếp cận các sản phẩm dầu tinh chế và thô, cũng như hạn chế nguồn tiền từ việc gửi lao động ra nước ngoài làm việc.

Cụ thể, nghị quyết đặt mục tiêu cấm gần 90% lượng sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên bằng cách đặt giới hạn nước này chỉ được nhập khẩu 500.000 thùng/năm. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng giới hạn Triều Tiên chỉ được nhập khẩu dầu thô tối đa 4 triệu thùng/năm, mức này sẽ còn giảm nếu Triều Tiên còn thử hạt nhân hay tên lửa ICBM lần nữa. Ngoài ra, nghị quyết yêu cầu các công nhân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài phải về nước trong vòng tối đa 24 tháng. Dự thảo nghị quyết ban đầu đề xuất mức 12 tháng.

Nghị quyết cũng cấm Triều Tiên xuất khẩu thực phẩm, máy móc, thiết bị điện, khoáng sản, gỗ, tàu thuyền. Ngoài ra, nghị quyết còn phong tỏa tài sản và cấm đi lại 15 cá nhân Triều Tiên và Bộ Các lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên.

Nghị quyết còn cho phép các nước bắt giữ, thanh tra, phong tỏa bất kỳ tàu Triều Tiên nào vô cảng hay lãnh hải nước mình nếu nghi tàu chở hàng cấm theo nghị quyết, hay có hành động bị cấm.

Nữ Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley trong phiên biểu quyết thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhất với Triều Tiên, ngày 22-12. Ảnh: REUTERS

Tại phiên biểu quyết, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố Mỹ vẫn muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng giải pháp ngoại giao, các biện pháp trừng phạt mới này là nhằm tăng áp lực để đạt được điều đó.

“Nghị quyết này gửi đến Triều Tiên thông điệp rõ ràng rằng nếu tiếp tục có hành động thách thức thì sẽ tiếp tục hứng chịu trừng phạt và cô lập” - bà Haley nói sau phiên biểu quyết.

Việc Trung Quốc và Nga ủng hộ nghị quyết rất đáng chú ý. Tại phiên biểu quyết, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Wu Haitao cho rằng căng thẳng bán đảo Triều Tiên có nguy cơ “mất kiểm soát”, lần nữa kêu gọi đối thoại.

Trung Quốc là nước cung cấp dầu chính cho Triều Tiên. Và trước khi ủng hộ nghị quyết này, nước này đã nhiều lần lơ lời kêu gọi của Mỹ ngưng cung cấp dầu cho Triều Tiên. Nga đầu năm nay đã có nhiều hành động ủng hộ phát triển kinh tế Triều Tiên. Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov còn nói Nga không sẵn sàng ủng hộ các lệnh trừng phạt làm hại đến kinh tế Triều Tiên.

Phái bộ Triều Tiên tại LHQ chưa bình luận về nghị quyết trừng phạt mới này. Tháng 11, Triều Tiên từng lên tiếng yêu cầu ngưng “các lệnh trừng phạt tàn bạo”, cho rằng vòng trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ sau vụ thử hạt nhân lần sáu của nước này ngày 3-9 phạm tội diệt chủng.

Theo các nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt mới có thể ảnh hưởng nặng đến kinh tế Triều Tiên.

“Nếu chúng được thực hiện, việc hạn chế nhập khẩu dầu sẽ cực kỳ có hại cho công nghiệp vận tải Triều Tiên, cho doanh nghiệp và người dân Triều Tiên” -nhà báo Peter Ward tại trang tin NK News chuyên theo dõi thông tin về Triều Tiên.

Ngoài ra, việc giới hạn thời gian lao động Triều Tiên phải về nước không chỉ giảm nguồn ngoại tệ về cho chính phủ mà cả nền kinh tế nước này, theo ông Ward.

Chưa rõ nghị quyết trừng phạt lần này có tác động thế nào đến Triều Tiên. Theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Sung-han, khả năng buộc Triều Tiên ngồi vào bàn thương lượng và chấm dứt phát triển vũ khí của các lệnh trừng phạt này không chắc chắn, dù có ảnh hưởng đến kinh tế chăng nữa.

“Trong hơn 25 năm qua, chúng ta đã có hàng loạt lệnh trừng phạt thuộc hàng cứng rắn nhất với Triều Tiên nhưng hầu như chưa có lệnh trừng phạt nào kiềm chế hiệu quả tham vọng quân sự và hạt nhân của Triều Tiên” - theo ông Kim.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới