Ngày 25-10, TP.HCM có thêm 8 tuyến xe buýt chạy ở các trục chính kết nối các bến xe, khu vực vùng ven với trung tâm TP.HCM hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của COVID-19. Cụ thể gồm các tuyến số 14, 20, 27, 29, 65, 74, 79, 141.
Mỗi chuyến lác đác một vài hành khách
Theo ghi nhận của PLO, sáng 26-10, tại bến xe buýt Sài Gòn có rất ít hành khách chờ đón xe. Các xe xuất bến tại bến này hầu như không có khách. Đồng thời, lượng xe xuất bến cũng không nhiều và thời gian giãn chuyến dài hơn so với trước đây.
Tại trạm trung chuyển Hàm Nghi (quận 1) các khu vực nhà chờ xe buýt cũng khá vắng vẻ. Lượng khách di chuyển bằng xe buýt còn e dè và số lượng tuyến còn hạn chế nên chưa thực sự thu hút người dân.
Một tài xế xe buýt số 20 (Bến Thành - Nhà Bè) chia sẻ trong những ngày đầu hoạt động trở lại, lượng khách chỉ lai rai, mỗi chuyến xe nhiều nhất cũng chỉ có khoảng 5 - 10 hành khách/chuyến, kể cả giờ cao điểm sáng.
Lác đác một vài hành khách chờ đón xe buýt. Ảnh: ĐT.
Trước đó, bốn tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn huyện Cần Giờ đã hoạt động trở lại từ ngày 5-10.
Cụ thể gồm tuyến xe buýt số 77 (Đồng Hòa - Cần Thạnh), tần suất hoạt động 60 chuyến/ngày; tuyến số 90 (phà Bình Khánh - Cần Thạnh) hoạt động 90 chuyến/ngày; tuyến số 127 (An Thới Đông - Ngã ba Bà Xán) hoạt động 70 chuyến/ngày; tuyến số 128 (Tân Điền - An Nghĩa) với tần suất 70 chuyến/ngày.
Như vậy, đến nay, TP.HCM có tổng số 12 tuyến xe buýt hoạt động trở lại.
Sẽ khai thác toàn bộ các tuyến xe buýt
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, hiện Trung tâm đang đề xuất với Sở GTVT TP, dự kiến sẽ khai thác thêm nhiều tuyến xe buýt trong thời gian tới.
Cụ thể, từ ngày 8-11 sẽ căn cứ vào tình hình chung của TP về việc phục hồi kinh tế sau dịch, Trung tâm tiếp tục lựa chọn các tuyến còn lại của mạng lưới tuyến xe buýt chính (các tuyến hướng tâm, xuyên tâm, vành đai, tuyến có lộ trình độc đạo không có phương án tuyến khác thay thế, tuyến đi qua các KCN, KCX, các tuyến đi qua chợ đầu mối).
Ở giai đoạn này, Trung tâm chưa đề xuất khôi phục các tuyến có sản lượng hành khách đi lại chưa cao. Dự kiến sẽ khôi phục 29 tuyến từ ngày 8-11, số chuyến hoạt động bằng 50% số chuyến trước dịch.
Một trạm xe buýt vắng bóng hành khách dù vào giờ cao điểm. Ảnh: ĐT.
Giai đoạn tiếp theo từ ngày 15-11 sẽ khôi phục 41 tuyến, đây là các tuyến còn lại của mạng lưới xe buýt.
Riêng các tuyến có sản lượng hành khách đi lại hầu hết là học sinh, sinh viên như tuyến số 50, 52, 86 sẽ khôi phục theo kế hoạch tổ chức đi học lại của các trường. Thời gian phục vụ từ 4 giờ đến 19 giờ hàng ngày, số chuyến hoạt động bằng 70% số chuyến trước dịch.
Sau đó, Trung tâm sẽ đánh giá tình hình hành khách đi lại của các tuyến được khôi phục hoạt động các giai đoạn 1, 2 và 3 để điều chỉnh tần suất, thời gian hoạt động theo nhu cầu đi lại của hành khách. Dự kiến tăng lên 70% đến 80% số chuyến trước dịch.
Đối với các tuyến xe buýt không trợ giá, Trung tâm có văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải khai thác trên các tuyến tiến hành rà soát tình hình phương tiện, nhân sự đảm bảo điều kiện hoạt động để đăng ký thời gian và phương án khôi phục hoạt động các tuyến này. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các doanh nghiệp vận tải, Trung tâm sẽ trình Sở GTVT khôi phục hoạt động.
Riêng các tuyến không trợ giá tỉnh liền kề, cần thống nhất phương án hoạt động với tỉnh lân cận trước khi có quyết định khôi phục.