Chiều 20-10, tại buổi họp báo thường kỳ quý III-2015, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết những bất cập của kỳ thi THPT năm nay sẽ được khắc phục trong năm tới. Bộ sẽ tăng hơn nữa quyền tự chủ cho các trường ĐH-CĐ, trong đó có quyềntự chủ xét tuyển.
Liên quan đến việc nhiều thí sinh nhập học cả tháng rồi nhưng sau hậu kiểm thì phát hiện việc cộng điểm không đúng dẫn đến nhiều trường hợp không trúng tuyển gây ức chế cho thí sinh, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, thừa nhận công tác hậu kiểm không nhanh chóng là do thiếu sót của các trường. Tuy nhiên, bà Phụng cho biết đa số hồ sơ cộng điểm không đúng đã bị phát hiện ngay sau khi nhập học, chỉ một số trường hợp cá biệt phát hiện sau khi theo học. Theo bà Phụng, Bộ đã có hướng dẫn các trường giải quyết theo hướng bảo vệ quyền lợi hợp lý cho thí sinh nhưng nếu lỗi thuộc về thí sinh thì các em phải chịu.
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ khắc phục những bất cập của kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2016. Ảnh: P ĐIỀN
Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCMvề việc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 86 về điều chỉnh mức học phí, Bộ GD&ĐT có đề nghị nâng mức vay vốn cho HS-SV nghèo vì mức vay hiện nay không còn phù hợp (khoảng 1,1 triệu đồng/tháng), ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định 86 để sớm ký ban hành trong thời gian sớm nhất. Trong đó có việc điều chỉnh mức cho vay do Bộ Tài chính chủ trì. Hiện tại mức cho vay đang thấp vì vậy mức cho vay tới sẽ được điều chỉnh”.
Trả lời câu hỏi vì sao Bộ GD&ĐT đã có nhiều chỉ đạo cấm lạm thu nhưng tình trạng này vẫn diễn ra vào đầu năm học, ông Quang cho biết năm nào Bộ cũng có văn bản chỉ đạo các sở kiên quyết xóa tình trạng lạm thu ở các trường. “Tuy nhiên, việc thực hiện ở một số địa phương chưa sâu sát dẫn đến nhiều trường vẫn có tình trạng lạm thu, đặc biệt là ở các trường khu vực đô thị, TP. Về việc này, bộ trưởng đã chỉ đạo sắp tới sẽ rà soát quy chế nhà trường, đặc biệt xem xét và sửa lại điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh” - ông Quang nhấn mạnh.
Góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhiều ý kiến đề nghị môn lịch sử phải là môn học riêng biệt và bắt buộc với học sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải thích Bộ đã tích hợp ba phân môn đạo đức-công dân, lịch sử và quốc phòng-an ninh thành môn học công dân với tổ quốc, đây là môn học bắt buộc. Cách thiết kế này đáp ứng yêu cầu cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông mới. Hơn nữa, các kiến thức phổ thông nền tảng được hoàn thành ở cấp tiểu học và THCS, còn ở cấp THPT là định hướng nghề nghiệp cho nên có ít môn học bắt buộc.
Chỉ Hội đồng Chức danh GS nhà nước xét công nhận GS Về việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) tự phong GS, PGS, ông Phạm Ngọc Phương, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, cho biết sau khi Bộ nhận được công văn về việc này của ĐH Tôn Đức Thắng, Bộ đã trả lời hai nội dung: Thứ nhất, chỉ có Hội đồng Chức danh GS nhà nước do Thủ tướng ký quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ GD&ĐT có trách nhiệm xét công nhận và hủy bỏ công nhận các tiêu chuẩn chức danh GS-PGS. Thứ hai, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng, căn cứ vào nhu cầu bổ nhiệm chức danh GS, PGS, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của hội đồng khoa học cơ sở giáo dục ĐH để ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo quyết định trên. |