Theo ông Ga, kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh cơ bản đã thành công, mặc dù còn một số bất cập trong công tác xét tuyển nguyện vọng 1 vào ĐH-CĐ nhưng những bất cập này sẽ được thay đổi trong năm 2016.
“Năm 2016, chúng ta một mặt phát huy những kết quả, mặt khác hạn chế bất cập. Định hướng là tăng tự chủ cho các trường, giao cho các trường tự chủ xét tuyển, Bộ không cấp giấy thông báo điểm, không làm những việc như vừa rồi” - ông Ga nói.
Theo ông Ga, mục đích của việc cấp bốn giấy đăng ký xét tuyển là hạn chế thí sinh ảo, sử dụng phần mềm quản lý chung để hạn chế ảo cho các trường. Bây giờ cho thí sinh tự do đăng ký, các trường tự do xét tuyển, điều này sẽ dẫn tới tỉ lệ ảo sẽ rất lớn. Cho nên sắp tới Bộ sẽ tìm những giải pháp chống ảo.
Ông Ga cho biết ý tưởng là chia thời gian xét tuyển của các trường theo các mức điểm. Cũng có thể các trường tốp trên phối hợp với nhau trong công tác tuyển sinh.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết năm 2016 sẽ thay đổi hướng tổ chức thi để giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh và người nhà. Thứ hai, tăng cường đánh giá chính xác hơn năng lực học sinh. Thứ ba là tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ có giải pháp kỹ hơn.
Về vấn đề thí sinh học một thời gian dài rồi mới phát hiện không đủ điều kiện trúng tuyển, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ ĐH, thừa nhận nguyên nhân là do công tác hậu kiểm.
Bà Phụng khẳng định nếu nguyên nhân do lỗi của thí sinh thì các em phải chịu thiệt, nhà trường sẽ trả học phí và các khoản đã đóng.
Còn nếu do hướng dẫn sai, để các em tưởng đúng đối tượng đó nhưng cuối cùng các em không thuộc đối tượng ưu tiên thì Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo để đảm bảo quyền lợi các em tốt nhất. “Ví dụ trả điểm thực về cho các em, trúng tuyển vào ngành thấp hơn thì cố gắng nhận các em vào. Còn các em không vào được trường các em nhập học, chúng tôi can thiệp các trường khác, đa số các trường đều xét bổ sung để các em vào học” - bà Phụng nói.