Lý do Ban quản lý thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đưa ra cho việc nhắc nhở này là thời gian qua công tác huy động, giải thể và thay thế nhân sự của Tư vấn giám sát rất lộn xộn, không có kế hoạch cụ thể.
Thực tế cho thấy, Tư vấn giám sát không kiểm soát được nhân sự, để xảy ra tình trạng nhân sự nghỉ việc cũng như thay thế rất nhiều, làm ảnh hưởng đến công tác giám sát các gói thầu xây lắp.
Tư vấn đã có nhiều đề xuất về huy động nhân sự cho đoạn ADB phía Đông (Gói thầu A5, A6 và A7) mà không xem xét đến tình hình thực hiện thực tế của các gói thầu, dẫn đến việc huy động một số vị trí chưa cần thiết tại các gói thầu này.
Bên cạnh đó, việc bố trí và điều chuyển các nhân sự giữa đoạn ADB phía Đông và phía Tây không phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện dịch vụ tư vấn giám sát.
Với những tồn tại trên, Ban quản lý dự án đã yêu cầu Tư vấn giám sát nghiêm túc thực hiện việc chấn chỉnh công tác quản lý nhân sự, không để xảy ra tình trạng nghỉ việc khi chưa hoàn thành công việc tại Dự án theo đúng bản cam kết đã ký khi nhân sự được Ban chấp thuận làm việc chính thức tại Dự án.
Ban quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam cũng cho biết, tạm thời chưa xem xét các đề xuất huy động nhân sự cho đoạn ADB phía Đông như đề nghị của Tư vấn giám sát.
Bên cạnh việc nhắc nhở tư vấn giám sát, VEC vừa có văn bản gửi Bộ GTVT "kêu cứu" về việc vướng mắc về mặt bằng của dự án. Nếu các vướng mắc này không được giải quyết thì công trình khó cán đích đúng kế hoạch vào ngày 14-12-2020.
Cụ thể, có đến 142 hộ gia đình hiện chưa di dời để nhường mặt bằng cho dự án. Trong đó, TP.HCM, đoạn tuyến qua huyện Bình Chánh còn 26 trường hợp chưa bàn giao; tỉnh Đồng Nai còn 116 trường hợp
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, do VEC làm Chủ đầu tư, khởi công ngày 19-7-2014, có tổng chiều dài toàn tuyến 57,8km. Dự án đi qua tỉnh Long An 2,7km (huyện Bến Lức, Cần Giuộc); TP. Hồ Chí Minh 26,4km (huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai 28,7km (huyện Nhơn Trạch, Long Thành).