Liên Hiệp Quốc 'phê bình' lãnh đạo thế giới yếu kém
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phát biểu “Sự yếu kém của các ngài là sự sỉ nhục đối với mục tiêu tồn tại của Liên Hiệp Quốc”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) Peter Maurer mỉa mai rằng thế giới chưa bao giờ phải chứng kiến nhiều sự mất mát và bất ổn như hiện nay.
Cả hai nhà lãnh đạo hai tổ chức toàn cầu đã hối thúc nguyên thủ các nước nhanh chóng thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhưng vững chắc để xoa chịu tình trạng khốn khổ của người dân tại các quốc gia bất ổn như Afghanistan, Nigeria và Syria. Theo BBC, đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế đưa ra tuyên bố chung, cho thấy sự thất vọng của hai cơ quan này trước tình hình xung đột ngày càng lan rộng trên thế giới.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 31-10, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế công khai chỉ trích sự gia tăng số người phải trốn chạy khỏi quê hương mình: “Chúng ta chưa bao giờ phải chứng kiến nhiều người chạy trốn như thế. 60 triệu người trên khắp thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa vì bạo loạn và xung đột. Đây là con số cao nhất kể từ Thế chiến II”.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế trong cuộc họp báo chung.
BBC dẫn lời ông Ban và ông Maurer rằng các cuộc chiến đang leo thang ngày nay thách thức những giá trị nhân văn cơ bản, ám chỉ các lực lượng tham chiến tại Afghanistan, Iraq, Nigeria, Nam Sudan và Yemen. Ông Maurer phát biểu: “Trong khi dân thường đang bị giết hại, tra tấn và bỏ đói và các bệnh viện đang bị ném bom thì chẳng ai chịu trách nhiệm. Thậm chí còn chẳng ai thèm cố gắng tìm cách chấm dứt tình trạng này”.
Tiếp lời Chủ tịch Maurer, Tổng Thư ký Ban Ki-Moon bức xúc: “Quá đủ rồi. Ngay cả chiến tranh còn có những quy tắc phải tuân thủ. Đã đến lúc chúng ta phải tôn trọng các quy tắc này”. Theo BBC, Tổng Thư ký Ban Ki-moon và Chủ tịch Peter Maurer đã kêu gọi các quốc gia thực hiện các biện pháp mang lại hòa bình gồm:
1. Chế ngự và buộc các nhóm vũ trang phải chịu trách nhiệm về tình hình xung đột cũng như ngưng việc sử dụng vũ khí hạng nặng ở các khu vực đông dân cư.
2. Bảo vệ và giúp đỡ những người trốn chạy và tìm giải pháp lâu dài.
3. Bảo đảm các chiến dịch y tế và nhân đạo được thực hiện mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
4. Xét xử những kẻ vi phạm luật pháp nhân đạo quốc tế.
5. Gia tăng nỗ lực tìm giải pháp bền vững để giải quyết xung đột.
Liên Hiệp Quốc ước tính chỉ tính riêng năm 2015, hơn 700.000 người đã vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Nhiều người trong số đó đến từ Syria. Mùa đông sắp đến chỉ làm chậm làn sóng di cư chút ít.