Chiều 7-11, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đến huyện Xuân Lộc - nơi đặt cơ sở cai nghiện của tỉnh Đồng Nai - để họp khẩn với các cơ quan chức năng tỉnh này.
Hàng trăm người hò hét, đập phá
Khoảng 10 giờ sáng 7-11, sau một đêm đập phá trốn khỏi cơ sở cai nghiện tỉnh Đồng Nai (trung tâm) và bị bắt trở lại, các học viên lại tiếp tục gây náo loạn. Hàng trăm học viên đập phá đồ đạc ở các khu nhà ở, tràn ra sân gây áp lực đòi về nhà. Nhiều người còn leo lên mái nhà, cột điện yêu cầu trung tâm cho được gặp vợ con.
Vận động, thuyết phục không hiệu quả, trung tâm nhờ lực lượng cảnh sát cơ động đến bảo vệ, trấn áp. Cảnh sát đã dùng hơi cay ngăn cản cả trăm người tràn ra cổng. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, tình hình mới ổn định trở lại.
Trước đó, ngày 6-11, các học viên gây náo loạn, đập phá và có 133 người thoát khỏi trung tâm. Lực lượng chức năng đã tìm đưa trở lại trại 73 người. sáng ra các học viên tiếp tục đập phá.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ việc trung tâm xem xét giải quyết cho học viên ra về vào ngày 5-11. Theo đó, có 58 học viên cai nghiện bắt buộc khu D (trong đó có 28 đối tượng HIV/AIDS, sáu học viên bị bệnh lao) yêu cầu cho tạm hoãn thi hành quyết định điều trị bắt buộc. Giám đốc trung tâm đã tổ chức đối thoại, ghi nhận ý kiến để báo cáo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đề nghị tòa án đình chỉ quyết định điều trị cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, các học viên này không đồng ý, yêu cầu cho về ngay trong đêm 5-11. Đến sáng 6-11, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh gặp gỡ, đề nghị tòa án cho 34 học viên có bệnh hiểm nghèo về nhà thì 24 học viên còn lại đã kích động, gây rối.
Theo Công an huyện Xuân Lộc, trong vụ đập phá vào ngày 6-11, công an huyện đã bắt ba người cầm đầu kích động và đập phá tài sản. Công an cũng đang tách hơn 100 người để điều tra. “Riêng vụ đập phá, đào thoát khỏi trung tâm ngày 23-10, công an đã khởi tố bị can đối với Võ Đình Huân, người cầm đầu vụ việc” - công an huyện cho hay.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm hỏi, trò chuyện với học viên tại cơ sở cai nghiện của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: T.DŨNG
Giảm tải học viên
Tại cuộc họp khẩn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Đồng Nai rà soát toàn bộ học viên đang cai nghiện có gia đình và địa phương bảo lãnh, trả về gia đình quản lý. Số này hơn 250 học viên. Với những người đang cai nghiện bắt buộc nhưng đang bệnh thì đề nghị tòa án lập hồ sơ tạm hoãn thi hành để trở về địa phương chữa bệnh. Những người phát hiện sử dụng ma túy nhưng chưa nghiện cũng tạm cho về. “Làm việc này để giảm tải cho trung tâm” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị công an rà soát, xử lý nghiêm người cầm đầu, phá hoại tài sản; phối hợp phân loại học viên, tạm thuê một địa điểm để quản lý nhằm giảm tải cho trung tâm trong thời gian sửa chữa…“Lâu dài đề nghị tỉnh Đồng Nai xây một cơ sở mới cho các học viên cai nghiện”.
Trung tâm cai nghiện ma túy Đồng Nai vốn là trung tâm giáo dục và dạy nghề nên không phù hợp với việc điều trị, cai nghiện ma túy, cộng thêm tình trạng quá tải (sức chứa 900 nhưng có đến hơn 1.400 học viên).
Ngày 7-11, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc tăng cường công tác quản lý, cai nghiện trong các cơ sở cai nghiện ma túy. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan thực hiện quản lý chặt chẽ học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn. UBND các tỉnh, thành thực hiện nghiêm việc rà soát, phân loại người nghiện khi tiếp nhận vào cơ sở cai nghiện; hoàn thành việc chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy trên toàn quốc trước ngày 31-12. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực có cơ sở cai nghiện ma túy; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật… |