Liệu gánh nặng chi phí chiến tranh có khiến kinh tế Ukraine gục ngã?

(PLO)- Chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky đang đau đầu với bài toán chi phí chiến tranh khổng lồ và ảnh hưởng của nó với nền kinh tế Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngay cả khi vui mừng với những ưu thế gần đây trên chiến trường, chính phủ Ukraine vẫn phải tìm cách giải quyết một thách thức trên mặt trận tài chính, đó là làm thế nào để thanh toán chi phí khổng lồ cho chiến tranh mà không gây ra tình trạng tăng giá ngoài tầm kiểm soát đối với dân thường hoặc nợ công chồng chất có thể cản trở nỗ lực tái thiết ở thời kỳ hậu chiến.

Binh sĩ Ukraine đứng cạnh tấm biển có dòng chữ “Vùng Kherson” ở ngoại ô thành phố Kherson, miền nam Ukraine hôm 14- 11. Ảnh: AP

Binh sĩ Ukraine đứng cạnh tấm biển có dòng chữ “Vùng Kherson” ở ngoại ô thành phố Kherson, miền nam Ukraine hôm 14- 11. Ảnh: AP

Người dân gặp khó khăn vì lạm phát tăng vọt

Theo hãng tin AP, Ukraine đang chật vật tìm kiếm các khoản vay hoặc viện trợ từ nước ngoài để bù đắp thâm hụt ngân sách lớn cho năm tới. Ukraine cố gắng điều đó để có thể tránh sử dụng các gói cứu trợ của Ngân hàng trung ương Ukraine (NBU), có thể làm mất giá hơn nữa đồng hryvnia của nước này.

Các nhà kinh tế nói rằng nếu Ukraine có thể củng cố nguồn lực tài chính cho đến cuối năm tới, thì Nga mới là bên gặp khó khăn trong việc bảo đảm tài chính phục vụ các chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nếu mức trần giá dầu Nga do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh áp đặt làm giảm doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Moscow.

Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, chính phủ Ukraine đã dựa vào sự hỗ trợ tài chính không ổn định của nước ngoài. Khi không có đủ, NBU đã in thêm tiền mới. Giải pháp khác là Ukraine sẽ ngừng trả lương hưu và lương nhà nước cho người dân.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế tư vấn cho Kiev lo ngại việc in tiền, dù là một biện pháp cần thiết để ngăn chặn lỗ hổng ngân sách vào thời điểm đó, có nguy cơ đẩy lạm phát tăng vượt khỏi tầm kiểm soát và làm mất giá đồng hryvnia hơn nữa, nếu tiếp tục duy trì.

Nhà kinh tế học Nataliia Shapoval, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu chính sách tại Trường Kinh tế Kiev, cho biết Ukraine từng trải qua tình trạng siêu lạm phát hồi đầu thập niên 1990. Khi còn nhỏ, bà đã chứng kiến cha mẹ mình sử dụng những bó tiền lớn để mua hàng hóa khi đồng tiền thời đó mất giá từng ngày, trước khi được thay thế bằng đồng hryvnia hiện nay.

Bà Shapoval nói: “Ukraine đã trải qua điều này, vì vậy, chúng tôi hiểu lạm phát ngoài tầm kiểm soát sẽ như thế nào và chúng tôi không muốn lặp lại tình huống đó. Chính phủ và NBU đang trượt dài vào tình thế khó khăn khi in tiền quá nhiều”.

Sự ổn định giá cả và khả năng chi trả lương hưu có tác động lớn đến người dân và xã hội vào thời điểm Nga đang cố gắng làm giảm nhuệ khí của người dân Ukraine bằng cách phát động các đợt tấn công tên lửa liên tuc vào hệ thống hạ tầng điện và nước khi Ukraine đang bước vào những tháng mùa đông lạnh giá.

Với lạm phát ở mức 27%, giá cả tiêu dùng đang tăng cao, khiến những người có thu nhập thấp ở Ukraine khó có thể mua đủ thực phẩm.

Người dân xếp hàng chờ lấy nước uống ở thành phố Kherson, miền nam Ukraine hôm 24-11. Ảnh: AP

Người dân xếp hàng chờ lấy nước uống ở thành phố Kherson, miền nam Ukraine hôm 24-11. Ảnh: AP

Kiev cần tìm kiếm thêm 3-5 tỉ USD/tháng

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelenskyy cho biết Ukraine cần 38 tỉ USD viện trợ ngay lập tức từ các đồng minh phương Tây như Mỹ và EU để duy trì các chi phí cho cuộc chiến. Ngoài ra, Ukraine cần thêm 17 tỉ USD cho quỹ tái thiết khắc phục hậu quả chiến tranh.

Quốc hội Ukraine vừa thông qua gói chi tiêu quốc phòng năm 2023 cao gấp sáu lần so với năm ngoái. Chi tiêu quân sự và an ninh của Kiev sẽ chiếm tổng cộng 43% tổng chi ngân sách năm tới, tương đương 18,2% GDP hàng năm.

Tổng chi ngân sách 2,6 nghìn tỉ hryvnia dự kiến cho năm 2023 của Ukraine sẽ bị thâm hụt 1,3 nghìn tỉ hryvnia, nghĩa là Kiev cần tìm 3-5 tỉ USD mỗi tháng để bù đắp khoảng trống. Các cuộc tấn công gần đây của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine kể từ khi sau khi ngân sách của Ukraine được thông qua sẽ chỉ làm tăng nhu cầu tài chính vì việc sửa chữa không thể chờ đợi đến giai đoạn tái thiết sau chiến tranh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến ngân sách năm nay của Ukraine.

Bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga vẫn phát triển tốt hơn Ukraine khi giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tăng cao, giúp củng cố ngân sách của Điện Kremlin.

Cơ chế giá trần dầu Nga 60 USD/thùng của EU và các đồng minh trong khối G7 nhằm nhằm mục đích làm xói mòn nguồn thu ngân sách xuất khẩu năng lượng của Điện Kremlin.

Các nhà kinh tế học của Trường Kinh tế Kiev nhận định vào giữa năm tới, tình hình kinh tế sẽ chuyển biến mạnh mẽ theo hướng có lợi cho Ukraine, khiến cho sự hỗ trợ tài chính mà đối tác phương Tây dành cho Kiev trở nên đặc biệt quan trọng trong giai đoạn từ nay cho đến thời điểm đó.

Mỹ dẫn đầu các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine

Tính đến đầu tháng 10, Mỹ là nước viện trợ hàng đầu, cung cấp 15,2 tỉ USD hỗ trợ tài chính và 52 tỉ USD viện trợ tổng thể, bao gồm cả hỗ trợ nhân đạo và quân sự, theo dữ liệu mới nhất từ Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW) của Đức. Mỹ có thể sẽ hỗ trợ thêm cho Ukraine trong thời gian tới.

Ông Christoph Trebesch, người đứng đầu nhóm theo dõi hoạt động viện trợ cho Ukraine của IfW, cho biết các tổ chức và các nước thành viên EU đã cam kết viện trợ tổng cộng cho Kiev 29,2 tỉ USD nhưng nhiều khoản cam kết này sẽ đến Ukraine chậm trễ.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã đề xuất cung cấp khoản vay dài hạn, không lãi suất trị giá 18 tỉ euro dành cho Ukraine trong năm tới. Song khoản vay này vẫn cần sự chấp thuận của tất cả chính phủ thành viên EU. Để nhận được khoản vay này , EC yêu cầu Ukraine cải thiện thành tích chống tham nhũng hơn nữa. Các quan chức Mỹ đã ca ngợi nền tảng mua sắm công trực tuyến của Ukraine mang lại sự minh bạch trong các hợp đồng của chính phủ, giúp tiết kiệm được 6 tỉ đô la nhờ hạn chế tham nhũng. Triển vọng trở thành thành viên EU cũng tạo cho Ukraine động lực để chống tham nhũng.

Tuy nhiên, Ukraine đang kêu gọi các khoản viện trợ không hoàn lại thay vì các khoản vay. Nếu tất cả các khoản tài trợ đến dưới dạng các khoản vay, nợ nước ngoài của Ukraine tăng lên hơn 100% GDP hàng năm từ khoảng 83% hiện nay và 69% trước chiến tranh. Gánh nặng tài chính đó có thể kìm hãm chi tiêu cho nỗ lực tái thiết sau chiến tranh ở Ukraine.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hai lần viện trợ Ukraine lần lượt 1,4 tỉ USD và 1,3 tỉ USD để giảm bớt cú sốc do xuất khẩu lương thực của nước này bị sụt giảm.

Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva cho hay IMF sẽ nỗ lực hỗ trợ Kiev nhiều hơn bằng cách hợp tác với G7 do Đức làm chủ tịch trong năm nay. Tuy nhiên, một chương trình cho vay lớn, từ 15-20 tỉ USD đối với một nước có các khoản nợ không bền vững là trái với thông lệ của IMF.

Ông Adnan Mazarei, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), cho rằng IMF sẽ phải thay đổi khuôn khổ hiện tại để cung cấp cho Ukraine những khoản vay lớn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm