Lính đánh thuê, công ty quân sự tư nhân là gì, khác sao với khủng bố?

(PLO)- 5 đặc điểm phân biệt lính đánh thuê với khủng bố; So sánh lính đánh thuê riêng lẻ và công ty quân sự tư nhân; Nước nào không ký hiệp ước cấm lính đánh thuê?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo ấn phẩm “Lính đánh thuê và chiến tranh: Tìm hiểu quân đội tư nhân ngày nay” của GS Sean McFate, ĐH Georgetown (Mỹ) do Nhà xuất bản ĐH Quốc phòng (Mỹ) phát hành, không có sự đồng thuận về mặt chuyên môn nào về định nghĩa “lính đánh thuê”.

Nhiều người tránh gọi “tổ chức lính đánh thuê” và gọi những đối tượng này bằng những uyển ngữ khác như nhà thầu quân sự tư nhân (PMC), công ty quân sự tư nhân, công ty an ninh tư nhân, tập đoàn quân sự tư nhân, bên cung cấp dịch vụ quân sự, nhà thầu chiến dịch và nhà thầu dự phòng.

Tuy nhiên, GS McFate cho rằng cơ sở nào đủ năng lực trở thành “nhà thầu quân sự tư nhân”, thì cũng có thể làm việc như một trụ sở “lính đánh thuê”.

Lính đánh thuê là những người lính riêng lẻ có thể làm việc cho bất kỳ ai trả tiền cho họ, còn PMC tuyển dụng những người này và hoạt động dưới hình thức một tổ chức.

Phân biệt lính đánh thuê với quân đội, khủng bố

Theo GS Sean McFate, hiểu một cách đơn giản nhất, lính đánh thuê là một thường dân, không là sĩ quan quân đội hay công an, được trang bị vũ trang và được trả tiền để thực hiện các hoạt động quân sự trong vùng xung đột nước ngoài.

Có 5 đặc điểm phân biệt lính đánh thuê với lính thuộc quân đội và các chủ thể phi nhà nước có vũ trang, ví dụ khủng bố.

Lính đánh thuê của công ty quân sự tư nhân Nga Wagner ở TP Rostov-on-Don, tỉnh Rostov (Nga) hôm 24-6. Ảnh: REUTERS

Lính đánh thuê của công ty quân sự tư nhân Nga Wagner ở TP Rostov-on-Don, tỉnh Rostov (Nga) hôm 24-6. Ảnh: REUTERS

Thứ nhất, lính đánh thuê làm việc vì tiền hơn vì chính trị. Điều này không có nghĩa là tất cả những người lính đánh thuê coi thường lợi ích chính trị và chỉ phục vụ theo ý của người trả tiền cao nhất, nhưng về cơ bản, những người này cố gắng tối đa hóa về mặt lợi ích tài chính.

Thứ hai, các tổ chức lính đánh thuê này được cấu trúc như các doanh nghiệp. Một số tập đoàn quân sự tư nhân lớn thậm chí đã được lên sàn giao dịch ở Phố Wall và Sở Giao dịch Chứng khoán London, chẳng hạn nhà thầu quân sự DynCorp International và Armor Group.

Thứ ba, bản chất những người lính đánh thuê là lính viễn chinh. Nghĩa là họ làm việc ở quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài hơn là cung cấp dịch vụ an ninh nội địa. Có trường hợp ngoại lệ là lính đánh thuê làm việc ở nước sở tại để bảo vệ quê hương.

Thứ tư, lính đánh thuê thường triển khai lực lượng theo cách thức quân sự, trái ngược với cách thực thi pháp luật. Mục đích việc triển khai theo cách thức quân sự này là đánh bại hoặc ngăn chặn đối phương bằng bạo lực, còn cơ quan thực thi pháp luật của nhà nước sẽ tìm cách giảm bớt các tình huống bạo lực để duy trì luật pháp và trật tự.

Cuối cùng, lính đánh thuê gây chết người và đại diện cho việc thu lợi từ chiến tranh. Trong khi đó lính và các chủ thể phi nhà nước có vũ trang có động cơ chính trị riêng và không tìm cách thị trường hóa chiến tranh.

Lính của PMC là ai, làm gì?

Những người lính đánh thuê không có bất kỳ sự ràng buộc nào với một công ty hay nhà nước và chức danh, họ chỉ chiến đấu vì tiền. Còn những người lính PMC thì làm việc cho một công ty - công ty đã đăng ký kinh doanh và được chính quyền nơi đặt trụ sở hoạt động công nhận.

Hầu hết lính của PMC đều là cựu binh hoặc cựu cảnh sát quốc gia, do họ đã được huấn luyện trước và có kinh nghiệm liên quan, chẳng hạn như GS Sean McFate đã làm việc cho các nhà thầu tư nhân ở châu Phi sau khi giải ngũ với nhiệm vụ là lính dù Mỹ.

Lính của công ty an ninh tư nhân Blackwater hộ tống quan chức dân sự người Mỹ - ông Paul Bremer khi ông đến TP Ramadi (Iraq) vào tháng 3-2004. Ảnh: REUTERS
Lính của công ty an ninh tư nhân Blackwater hộ tống quan chức dân sự người Mỹ - ông Paul Bremer khi ông đến TP Ramadi (Iraq) vào tháng 3-2004. Ảnh: REUTERS

So với lính đánh thuê thông thường, lính PMC được tiếp cận với các thiết bị quân sự hạng nặng và phức tạp hơn nhiều như xe tăng, máy bay, trực thăng, trong khi lính đánh thuê có vũ khí hạng nhẹ.

Lính đánh thuê thường được triển khai để chiến đấu ở tiền tuyến trong khi lính PMC có thể phục vụ nhiều lĩnh vực như an ninh, hậu cần, vận chuyển, thu thập thông tin tình báo và chiến đấu.

Cả hai đều mặc quần áo dân sự kết hợp với đồng phục chiến dịch, trong khi thu nhập của lính đánh thuê cao hơn thu nhập của lính PMC.

Nước nào không ký công ước cấm lính đánh thuê?

Theo Công ước quốc tế năm 1989, việc tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê sẽ bị cấm.

Theo công ước, những người không phải là thành viên của bất kỳ lực lượng vũ trang nào của một bên tham gia xung đột sẽ được coi là lính đánh thuê và lính đánh thuê nên được coi là tội phạm đối với tất cả các quốc gia và nên bị truy tố hoặc dẫn độ.

Tuy nhiên, chỉ có 35 quốc gia phê chuẩn công ước này và công ước có hiệu lực vào ngày 20-10-2001. Các quốc gia có quân đội lớn, đặc biệt là Mỹ, Nga và Anh, đã không phê chuẩn.

Theo đài TRT World, các quốc gia thường dùng PMC vì một số lý do như thiếu nguồn nhân lực trong lực lượng vũ trang, trốn tránh trách nhiệm đối với các hành vi của PMC, tránh sự kiểm soát của các thể chế dân chủ và có thể can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia khác,...

Mặc dù các PMC bị ràng buộc bởi luật pháp của quốc gia nơi họ đặt cơ sở hoạt động, tính hợp pháp của các hành động của PMC vẫn là một câu hỏi khi hoạt động ở các lãnh thổ nước ngoài.

Ví dụ, PMC Mỹ ở Iraq sẽ không bị ràng buộc bởi luật pháp địa phương Iraq và họ có thể không nhất thiết phải tuân theo luật pháp Mỹ vì phạm vi quyền hạn có thể không được áp dụng.

Điều này dẫn đến việc người của PMC thiếu trách nhiệm giải trình so với những người lính trong quân đội vì nếu lính của quân đội vi phạm, sẽ được đưa ra tòa án binh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm