Lo ngại hiệu ứng Fujiwhara từ hai cơn áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi đổ bộ vào đất liền thì ATNĐ Kajiki đổi hướng ra biển, đến 16h ngày 3-9, ATNĐ Kajiki ở ven vùng biển các tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam, gió cấp 6, giật cấp 8-9.

Trong 24h tới, ATNĐ Kajiki di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16h ngày 4-9, ATNĐ ở trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam, gió cấp 6-7, giật cấp 9. Lúc này, cơn ATNĐ ngoài biển Đông cũng suy yếu dần và trở thành một vùng áp thấp, đang dịch chuyển về phía đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Vị trí hai cơn ATNĐ vào sáng nay, 3-9. Ảnh: NHCMF

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hai cơn ATNĐ cùng với cơn bão ở phía tây bắc Thái Bình Dương (phía đông Philippines tạo thành một tam giác xoáy thuận nhiệt đới.

Cơn ATNĐ đã đổ bộ vào đất liền và cơn ATNĐ giữa biển Đông đang suy yếu có hiệu ứng tương tác với nhau tạo nên hiệu ứng Fujiwhara. Cơn ATNĐ yếu hơn sẽ bị hút vào cơn ATNĐ mạnh hơn tạo ra một cơn ATNĐ mới với cường độ mạnh hơn. Khi cơn ATNĐ mới được hình thành với cường độ mạnh hơn sẽ kết hợp với cơn bão ở ngoài phía tây bắc Thái Bình Dương sẽ lại tạo ra hiệu ứng Fujiwhara thêm một lần nữa và có khả năng tạo ra một cơn ATNĐ-bão.

“Chúng tôi đang lo ngại vùng ATNĐ đang tồn tại trên đất liền và đang dịch chuyển ra ngoài biển sẽ tồn tại lâu trên đất liền có tác động gây mưa đến khu vực Trung Bộ kéo dài nữa. Khi mưa lớn kéo dài như vậy sẽ gây ra áp lực cho hệ thống sông suối, các hồ thủy điện, thủy lợi ở khu vực Trung Bộ. Chúng tôi cảnh báo các hiện tượng lũ ở khu vực từ Quảng Trị trở vào Thừa Thiên Huế có thể lên mức báo động 2, báo động 3 và có thể lớn hơn”, ông Hưởng cho biết.

Cùng với lũ lên thì nguy cơ xảy ra các hiện tượng lũ quét, xạt lở đất ở một loạt các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên cũng đang ở mức rất cao. Khi ATNĐ di chuyển từ đất liền ra biển có xu hướng mạnh lên sẽ tác động đến tàu thuyền hoạt động ven biển, chính vì vậy cần hết sức chú ý và có phương án đề phòng.

TP. Vinh ngập sâu do ảnh hưởng của ATNĐ gây mưa lớn ngày 3-9. Ảnh: ĐẮC LAM

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của ATNĐ và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, từ 19 ngày 1-9 đến 17h ngày 3-9, các tỉnh Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế đã có mưa lớn, lượng mưa phổ biến 200-300mm. Như ở Hương Quang (Hà Tĩnh), Lâm Thủy (Quảng Bình) 420mm; Tân Hóa (Quảng Bình) 329mm, Tà Long (Quảng Trị) 418mm; Hướng Phùng (Quảng Trị) 325mm.

Dự báo, đêm 3, ngày 4-9, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến 40-90mm/24 giờ), riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh - Đà Nẵng có mưa to đến rất to (lượng mưa 100-250mm/24 giờ, có nơi trên 300mm/24h). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Do mưa lớn, nước các sông Hà Tĩnh – Quảng Trị đang lên và ở mức BĐ1-2. Đồng thời, một số khu vực thấp trũng ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình bị ngập lụt, như ở Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa, Hóa Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình), xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), 4 xã A Ngo, Tà Long, Ba Năng, A Vao của huyện Đắkrông (Quảng Trị), ba xã Thuận, Ba Tầng, A Xinh của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng cho biết, tính đến 17h ngày 3-9, đã bắt đầu có thiệt hại về người trong đợt mưa lũ này. Cụ thể, có một người bị lũ cuốn trôi khi đi xúc cá dọc khe suối thì bị lũ cuốn tại xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình vào chiều 2-9 (Hồ Thị Chăm, SN 1985).

Cạnh đó, về giao thông, xảy ra sạt lở gây ách tắc tại Km171, 173, 193, 197 nhánh tây đường Hồ Chí Minh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) và nhiều điểm trên tuyến đường 16, QL21A (Q.Bình).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm