Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), nhà khoa học tại ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tại Hợp Phì, tỉnh An Huy hôm 4-9 cho rằng ngọn núi mà Triều Tiên năm lần dùng làm nơi thử hạt nhân, kể cả vụ thử uy lực nhất và mới đây nhất hôm 3-9, có nguy cơ bị sụp đổ.
Băng cách đo lường và phân tích sóng xung kích gây ra bởi các vụ nổ, các nhà nghiên cứu tin rằng Triều Tiên thực hiện tất cả các vụ thử hạt nhân tại cùng một ngọn núi ở bãi thử Punggye-ri.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà địa vật lý Wen Lianxing cho hay dựa vào những dữ liệu thu thập được tại hơn 100 trung tâm quan sát động đất ở Trung Quốc, phạm vi sai số là không quá 100 m.
Ngọn núi tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: NK NEWS
Nhà khoa học Trung Quốc cho hay không phải ngọn núi nào cũng thích hợp để thử bom hạt nhân. Theo ông Wang, do diện tích đất đai hạn chế, cũng như nhu cầu che giấu thông tin về chương trình vũ khí hạt nhân, Triều Tiên không có nhiều lựa chọn cho địa điểm thử nghiệm chương trình hạt nhân của nước này.
"Khi ngọn núi sụp xuống, cái hố khủng khiếp sẽ lộ ra và những thứ tồi tệ sẽ rò rỉ ra ngoài" – ông Wang cảnh báo. Ông nói thêm ngọn núi đứng vững được bao lâu phụ thuộc vào nơi Triều Tiên đặt quả bom.
“Nếu quả bom được cài dưới đáy các đường hầm đứng, thiệt hại sau vụ nổ sẽ ít hơn” – ông nói. Tuy nhiên, việc đào đường hầm đứng lại khó khăn và tốn kém, thứ nữa cũng không dễ dàng gì có thể đặt dây cáp và cảm biến để thu thập dữ liệu sau vụ nổ. Do đó, theo ông, lựa chọn dễ dàng hơn là khoan đường hầm theo chiều ngang ngay tâm của quả núi song điều này làm tăng nguy cơ thổi bay cả đỉnh núi.
Việc Triều Tiên tăng dần kích thước quả bom khiến nguy cơ này càng cao. "Trái bom 100 kiloton là khá lớn. Chính phủ Triều Tiên nên ngưng thử bom vì điều đó gây nguy cơ lớn không chỉ với Bình Nhưỡng mà còn cho các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc" – ông Wang cảnh báo.
Triều Tiên ngày 3-9 tuyên bố nước này đã thử nghiệm bom nhiệt hạch với “sức mạnh chưa từng có tiền lệ” và có thể đặt loại bom này lên tên lửa đạn đạo tầm xa. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng khẳng định vụ thử gần đây nhất là thành công hoàn hảo và không gây rò rỉ nhiên liệu hạt nhân ra không khí.
Trong khi đó, nhà chức trách Trung Quốc, trong đó có Cục an toàn hạt nhân quốc gia, sẽ tiếp tục theo dõi sát sao từng vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đội ngũ của ông Wen ước tính năng lượng được giải phóng ra sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên là khoảng 108,3 kiloton TNT, gấp 7,8 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống TP Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Một nhóm các nhà khoa học ở Na Uy lại ước tính lượng năng lượng giải phóng sau vụ nổ tại bãi thử Punggye-ri hôm 3-9 gấp 10 lần so với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.