Lo Việt Nam thành bãi rác công nghệ Trung Quốc

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam, đặc biệt là đối với ngành dệt may. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến các dự án của Trung Quốc đang làm dấy lên nhiều lo ngại.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp Bộ Công Thương (ảnh), nói: TPP quy định các nguyên liệu dệt may được hưởng thuế suất 0% khi được sản xuất tại các nước nội khối TPP.

Trung Quốc hưởng lợi nhiều mặt

. Phóng viên: Như vậy, khi các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào dệt may tại Việt Nam, họ cũng được hưởng những lợi thế do TPP mang lại, thưa ông?


 
+ TS Dương Đình Giám: Đúng là như vậy. Vì TPP quy định các loại hàng hóa hoặc nguyên liệu làm ra các loại hàng hóa đó muốn được hưởng ưu đãi về thuế thì phải được sản xuất tại các nước thuộc TPP chứ không quy định nó được sản xuất bởi doanh nghiệp (DN) nội địa hay nước ngoài.

Hiện nay, các DN Trung Quốc đã đầu tư khá nhiều vào sản xuất dệt may tại Việt Nam, đặc biệt là khâu sợi để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam.

. Điều này có nghĩa DN Trung Quốc không chỉ được hưởng lợi từ thuế suất bằng 0% mà họ còn có lợi từ việc nhờ chúng ta “xuất khẩu giùm” sản phẩm cho họ. Đáng lo ngại hơn, không ít ý kiến cảnh báo việc Trung Quốc sẽ “xuất khẩu” công nghệ lạc hậu, ô nhiễm ngành dệt may vào Việt Nam và có thể biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ?

+ Không phải chỉ các DN Trung Quốc mà các DN đầu tư nước ngoài (FDI) khác cũng có thể đưa các công nghệ cũ, lạc hậu, ô nhiễm môi trường vào nước ta. Dĩ nhiên, lo ngại đối với các DN Trung Quốc là lớn hơn so với các nước khác.

Dây chuyền dệt nhuộm của một công ty dệt may tại Bình Dương. Ảnh minh họa: HTD

. Một nguy cơ khác mà các chuyên gia cảnh báo nhiều, đó là việc di chuyển ồ ạt lao động Trung Quốc sang Việt Nam. Ông có nghĩ Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực trong lĩnh vực này không?

+ Vấn đề này đúng là cần phải được đặt ra. Các DN FDI, bao gồm cả nhà đầu tư Trung Quốc, ngoài mang công nghệ, vốn sang Việt Nam, họ còn có thể mang cả lao động phổ thông sang Việt Nam. Những dự án ở Tây Nguyên, Hà Tĩnh là những ví dụ điển hình cho việc này. Đây là một trong những vấn đề đáng lo ngại.

Trên thực tế, hàng hóa, lao động của Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới là có thật nhưng chưa nhìn thấy rõ nét lắm. Trong khi hàng hóa, lao động của các nước tràn vào Việt Nam là điều đã và đang diễn ra.

Phụ thuộc vào cái tâm của cán bộ

. Theo ông, chúng ta phải làm gì để ngăn chặn việc lợi dụng TPP để tuồn công nghệ bị loại thải, lạc hậu, thậm chí chuyển cả các nhà máy ô nhiễm từ Trung Quốc vào Việt Nam?

+ Như tôi đề cập, mối lo về việc các DN Trung Quốc cũng như các DN FDI khác đưa công nghệ lạc hậu sang Việt Nam là có thật. Để hạn chế mặt tiêu cực này, tôi cho rằng trước hết, bản thân các DN FDI, trong đó có DN Trung Quốc phải ý thức được những tiêu chí ràng buộc chặt chẽ của TPP về môi trường để đưa các công nghệ đủ tiêu chuẩn vào Việt Nam nếu muốn hưởng lợi từ TPP.

Nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ. Việt Nam hiện đã có hàng trăm quy định (quy chuẩn và tiêu chuẩn) về hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát chất lượng công nghệ cũng như các loại hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu. Riêng Bộ Công Thương đã có hơn 120 tiêu chuẩn và quy chuẩn.

Tôi tin rằng nếu thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn này thì việc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, trong đó có xu hướng chuyển các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường của các DN Trung Quốc cũng như các DN nước ngoài khác vào Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Nhưng nó còn phụ thuộc vào năng lực, cái tâm của các cơ quan quản lý và đặc biệt là cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ.

Có thể thành công xưởng dệt may của thế giới

. TPP có những ràng buộc rất khắt khe về môi trường, liệu các DN có đáp ứng được những tiêu chuẩn này không, thưa ông?

+ TPP có những ràng buộc rất chặt chẽ về môi trường. Nếu không đảm bảo các tiêu chí, đặc biệt là môi trường, các nước sẽ từ chối nhập khẩu hàng hóa ngay. Do đó, nó đòi hỏi Nhà nước, đặc biệt là các địa phương phải thay đổi tư duy về quản lý môi trường, không nên chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá.

Ở đây cũng cần nói thêm là hiện tại, thu hút vào ngành dệt may đang là xu hướng của nhiều địa phương. Điều này là phù hợp vì ngành dệt may Việt Nam đang hội đủ những điều kiện để có thể trở thành một công xưởng của thế giới về lĩnh vực này.

. Trung Quốc từng được mệnh danh là “công xưởng thế giới…” nhưng họ đang phải trả giá rất đắt về ô nhiễm môi trường, thậm chí có thời điểm một số thành phố “không thấy mặt trời” vì khói bụi. Vậy nếu Việt Nam thành công xưởng thế giới liệu có đáng tự hào không, thưa ông?

+ Như tôi đã nói, việc thu hút đầu tư vào dệt may, đặc biệt là các khâu dệt, nhuộm cần phải được tư duy phát triển theo quy mô vùng để có thể tận dụng được hết năng lực của các khu công nghiệp chuyên sâu, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải. Tránh tình trạng nhiều tỉnh trong một vùng cùng có nhu cầu thu hút đầu tư vào dệt may nhưng lại độc lập xây dựng các khu công nghiệp riêng biệt khiến chi phí đầu tư cho các công trình hạ tầng thì lớn nhưng lại không được sử dụng hết công suất.

Lấy ví dụ tại khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong khi khu công nghiệp chuyên sâu về dệt may ở Phố Nối (Hưng Yên) do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) làm chủ đầu tư, có hệ thống hạ tầng khá hoàn chỉnh, chưa được lấp đầy thì các dự án dệt may thu hút vào các địa phương lân cận như Hải Dương, Nam Định, Thái Bình vẫn đang tiếp tục diễn ra.

. Xin cám ơn ông.

Nhiều dự án dệt may triệu đô của Trung Quốc

Theo thống kê của cơ quan chức năng, những dự án dệt may quy mô lớn được phê duyệt trong nửa đầu năm 2015 đóng góp 4,18 tỉ USD nguồn vốn FDI mới vào Việt Nam, chiếm 76% tổng vốn FDI. Trong đó chủ yếu do nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong đầu tư vào nước ta nhằm đón lợi thế TPP.

Một số dự án lớn tiêu biểu như dự án 400 triệu USD xây khu công nghiệp dệt may tại Nam Định; dự án 300 triệu USD của Texhong tại Quảng Ninh và dự án 200 triệu USD của TAL tại Hải Dương. Các đối tác phía Trung Quốc cũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về việc xây dựng khu công nghiệp dệt may có quy mô gần 1.500 ha tại huyện Nghĩa Hưng với vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD...

Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu một số lượng lớn các loại vải (khoảng 80%) để phục vụ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Việt Nam cũng phải nhập tới 80% nguyên phụ liệu, trong đó chiếm một nửa là từ Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới