Câu chuyện các nhóm CĐV mang loa điện vào sân một thời gây tranh cãi nhưng các ban tổ chức sân và ban tổ chức giải đã không mạnh tay, không quyết liệt để rồi chiếc loa mà FIFA cấm tiệt vẫn đường hoàng vào sân rồi được ngụy trang để giấu pháo và những vật cấm…
FIFA đã có những quy định hẳn hoi cấm triệt để việc mang thiết bị điện, loa, thiết bị tia laser vào sân. Thế nhưng ở V-League thì ban tổ chức chỉ yếu ớt cấm rồi lại “mở” để những thiết bị đấy được xem như là công cụ cổ vũ được chấp nhận (!?). Nói ban tổ chức bất lực thì không hẳn nhưng nói như những nhà chuyên môn thì vô tình ban tổ chức đã thỏa hiệp để các CĐV thực hiện những điều cấm kỵ.
Từng có những tranh cãi giữa ban tổ chức và hội CĐV về việc mang loa thùng, loa điện vào sân để cổ vũ. Sau đó thì ban tổ chức đã “mềm” đi trong xử lý và phản ứng yếu ớt như chấp nhận với việc mang loa điện vào sân. Trào lưu này trước chỉ có ở một hội CĐV, sau đó lan dần sang nhiều hội CĐV.
Sự cố sân Hàng Đẫy đêm 11-9 xuất phát từ nhiều phía, nhiều lỗ hổng. Nhưng không thể phủ nhận điều mà nghi phạm chính trong sự cố trên là Vũ Trung Trực đã khai, đó là giấu hết pháo dù và pháo sáng trong thùng loa để qua mặt bộ phận an ninh.
Các thiết bị phòng và chống như thế này (ảnh nhỏ) sẽ không cần sử dụng đến nếu ban tổ chức quy định nghiêm ngặt về công tác an ninh, an toàn. Ảnh: NGỌC DUNG
Thực chất thì việc mang loa vào sân như phía CĐV Nam Định thực hiện là đã vi phạm điều lệ trận đấu của FIFA.
Với những quy tắc chung ở các trận đấu bóng đá, FIFA đưa ra quy chuẩn rất chính xác sau khi đã có những nghiên cứu rất cụ thể và khi đã là quy định thì không thể ngoại lệ được. Nó khác hẳn với ở V-League nhiều năm trước các hội CĐV mang loa điện, micro vào sân bị ban tổ chức hỏi chuyện nhưng rồi phản ứng yếu ớt rồi dần dần trở thành chấp nhận.
Bóng đá nơi tập trung đông người, luôn tiềm ẩn những nguy hiểm nếu có những phần tử xấu len lỏi vào. Đằng này cho mang thùng loa điện vào thì rõ ràng quá bất an. Và nó đã xảy ra. Vừa qua là giấu pháo dù, pháo sáng và mai mốt có thể là chất nổ… Không loại trừ khả năng những phần tử xấu trà trộn kiểu này có thể thực hiện những hành vi khủng khiếp hơn thì thật bi kịch nếu vẫn còn tạo ra những kẽ hở như thế.
FIFA cấm mang các thiết bị điện và cồng kềnh vào sân bởi nhiều nguyên nhân. Ngoài vấn đề an ninh kể trên thì âm thanh tạo ra từ điện hoặc tích điện từ bình ắcquy (ngoài tiếng loa phát thanh của ban tổ chức) thì có thể lấn át tiếng còi của trọng tài, làm ảnh hưởng kỹ thuật của trận đấu.
Qua sự cố ngày 11-9 trên sân Hàng Đẫy, ban tổ chức cũng cần nghiên cứu và nghiêm ngặt hơn với công tác an ninh, an toàn trận đấu. Đặc biệt là khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng rồi thì công tác phòng, chống và lập lại trật tự an ninh, an toàn trên sân bóng cần phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn.