Nhiều người thường nghĩ rằng ô nhiễm không khí chỉ xuất hiện ở ngoài trời nhưng thực tế chúng còn hiện diện ngay trong nhà hoặc văn phòng bạn đang làm việc. Trong đó, nguồn ô nhiễm có thể từ phấn hoa, khói thuốc lá, sản phẩm gia dụng, thuốc trừ sâu, sơn, hóa chất tẩy rửa, các loại rác thải…
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Thông thường chất lượng không khí trong nhà ở mức độ nhẹ chỉ gây cảm giác khó chịu. Hầu hết mọi người cảm thấy tốt hơn ngay sau khi loại bỏ các nguồn ô nhiễm. Tuy nhiên, một số chất gây ô nhiễm về lâu dài có thể gây bệnh, chẳng hạn như các bệnh về đường hô hấp hay ung thư.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 3 tỉ người trên toàn cầu nấu ăn và sưởi ấm bằng nhiên liệu rắn như gỗ, than củi, than đá, chất thải cây trồng… trên bếp lửa hoặc bếp lò truyền thống. Trong đó, việc hút thuốc trong nhà với không gian kém thông thoáng cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nặng. Việc ảnh hưởng do tiếp xúc đặc biệt cao ở những phụ nữ và trẻ em. Cũng theo WHO, 4,3 triệu người chết mỗi năm từ việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí gia đình. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe với các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, thiếu máu cục bộ, đột quỵ, đục thủy tinh thể… Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm liên kết với những kết quả bất lợi với thai nhi.
Suy thoái rừng
Trong hội thảo do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức mới đây đã đưa ra một số nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Trong đó một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình còn sử dụng các loại nhiên liệu đốt như vỏ hạt điều, vải vụn, vỏ xe… Kết quả là khói phát sinh cùng các chất gây ô nhiễm nặng cho không khí.
Chất thải nguy hại được thu gom tại chương trình do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Ảnh: NGỌC CHÂU
Trong tác động xã hội, môi trường, sử dụng nhiên liệu rắn để nấu ăn, sưởi ấm là nguồn chính gây ô nhiễm và góp phần lớn vào suy thoái rừng. Tuy nhiên, có một nghịch lý là sự phụ thuộc vào nhiên liệu để nấu ăn, sưởi ấm lại liên kết đến hộ gia đình khó khăn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi với thu nhập thấp thì việc có thực phẩm mỗi ngày cho cả gia đình còn quan trọng hơn là lo lắng đến các vấn đề vĩ mô. Họ thường không có đủ khả năng tài chính để mua sắm, đầu tư thiết bị hiệu quả hơn. Điều đó lại tạo ra một vòng luẩn quẩn giữa sự đói nghèo, sử dụng nhiên liệu không hiệu quả, ảnh hưởng sức khỏe và môi trường.
Sự phụ thuộc vào gỗ làm nhiên liệu đốt có thể gây áp lực đáng kể về rừng. Việc khai thác gỗ không bền vững có thể dẫn đến suy thoái rừng, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và sự đa dạng sinh học. Ngoài ra, trong quá trình đốt cháy than củi sản sinh nhiều chất ô nhiễm, ảnh hưởng đáng kể vào sự thay đổi khí hậu.
Giảm thiểu ô nhiễm không khí trong nhà
Có một loạt các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí trong nhà. Chúng được phân loại theo mức độ về tính hiệu quả: Can thiệp vào các nguồn gây ô nhiễm, can thiệp đến môi trường sống và hành vi người dùng.
Thứ nhất, việc cắt giảm ô nhiễm không khí trong nhà có thể thực hiện bằng cách chuyển từ nhiên liệu rắn sang các nhiên liệu sạch hơn, hiệu quả hơn như khí hóa lỏng, năng lượng mặt trời… Ở các hộ gia đình nghèo, việc áp dụng nhiên liệu thay thế là rất hạn chế nhưng vẫn có thể thực hiện bằng cách cải thiện bếp ăn. Công việc này đòi hỏi sự giúp đỡ của chuyên gia địa phương nhằm thiết kế, lắp đặt hệ thống bếp mới. Điều quan trọng là giảm được khói do đốt cháy và cải thiện thời gian nấu ngắn hơn.
Thứ hai, can thiệp đối với môi trường sống tập trung vào việc cải thiện hệ thống thông gió tại khu vực nấu ăn và sinh sống. Chúng có thể đóng góp đáng kể vào việc giảm tiếp xúc với khói thuốc, bao gồm mở rộng cửa sổ, cải thiện không gian mái hiên…
Thứ ba, những thay đổi trong hành vi của người sử dụng cũng có thể đóng một vai trò trong việc làm giảm mức độ ô nhiễm và tiếp xúc. Chẳng hạn như giữ trẻ em tránh xa khói thuốc, tránh hút thuốc trong nhà, chuyển đổi sang nhiên liệu đốt thân thiện môi trường…