Loại bỏ thủy điện chiếm nhiều rừng

Nhiều vi phạm về đất đai, tài nguyên nước, môi trường tại các thủy điện vừa và nhỏ đã được Bộ TN&MT chỉ rõ trong buổi họp báo về công tác thanh tra của ngành hôm 14-11.

Nhiều thiếu sót nghiêm trọng

Theo kết quả thanh tra của Bộ TN&MT, một số thủy điện gây thiếu nước nghiêm trọng cho vùng hạ du. Cụ thể, thủy điện Vĩnh Sơn (Bình Định), thủy điện An Khê - Ka Nak (Gia Lai) trên sông Ba chuyển dòng về sông Côn, tỉnh Bình Định khiến hạ lưu sông Ba khô hạn nghiêm trọng. Thủy điện Đắkmi 4 (Quảng Nam) cũng không trả nước về dòng cũ, làm ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hecta đất sản xuất nông nghiệp và đời sống của gần 1,7 triệu dân vùng hạ lưu…

Bộ TN&MT chỉ rõ: “Toàn bộ dự án thủy điện vừa và nhỏ đang phát điện không thực hiện duy trì dòng chảy tối thiểu. Gần 100% các hồ thủy điện vừa và nhỏ ở vùng núi cao xây dựng đập dâng, đập tràn tự do, không có khả năng điều tiết nước về mùa lũ. 60% dự án thủy điện chưa có giấy phép khai thác nước mặt”. Mặt khác, Bộ cũng cho biết gần một nửa số dự án chưa thực hiện xong việc lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã xây dựng công trình. Đặc biệt, dự án thủy điện Mường Kim (Yên Bái) đã lấn chiếm khoảng 1.000 m2 đất hành lang giao thông quốc lộ 32.

Thủy điện Đắkmi 4 (Quảng Nam) không trả nước về dòng cũ, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân vùng hạ lưu. Ảnh: CTV

Tại thời điểm thanh tra, các dự án thủy điện vừa và nhỏ còn tồn tại nhiều thiếu sót. Như dự án Thủy điện Sông Tranh 3 (Quảng Nam) chưa có quy trình vận hành hồ chứa, chưa cắm mốc an toàn hành lang hồ chứa. Dự án Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) không có giấy phép khai thác nước mặt, chủ đầu tư chưa trồng bù đủ diện tích đất rừng đã mất. Thủy điện ĐăkLô (Kon Tum) chưa thực hiện xong các thủ tục về đất đai, chưa lập hành lang bảo vệ hồ chứa…

Loại bỏ ngay để hạn chế nguy cơ

Bộ TN&MT cũng chỉ ra hàng loạt yếu kém trong công tác quản lý nhà nước như tình trạng thu hồi đất và giao đất trái thẩm quyền, cho thuê đất làm hồ chứa thủy điện nhưng không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thêm nữa, có trên 32.000 ha rừng bị mất do chuyển đổi mục đích, xây dựng thủy điện mà địa phương chưa đưa ra yêu cầu chủ dự án phải trồng bù. Ngân sách các tỉnh dành cho nghiên cứu quy hoạch thủy điện còn hạn chế, dẫn đến thiết kế cơ sở thường xuyên phải điều chỉnh. Từ cuối năm 2009 đến nay, có đến hơn 100 dự án bị loại bỏ và 150 vị trí có tiềm năng khai thác không được UBND các tỉnh xem xét.

Về phía chủ đầu tư, đa phần các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa đề cập đầy đủ các sự cố về môi trường, thiếu giải pháp ứng phó với sự cố vỡ đập do động đất, tai biến địa chất. Cùng đó, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường khi xây dựng khu tái định cư.

Từ các vấn đề trên, Bộ TN&MT kiến nghị UBND các tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra đối với các dự án thủy điện. Địa phương phải theo dõi diễn biến dòng chảy (nhất là các dòng chảy sau đập) và đề xuất hướng giải quyết nhằm đảm bảo môi trường sinh thái và nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương xem xét loại bỏ những dự án không hiệu quả, tác động xấu đến môi trường, dự án chiếm nhiều diện tích đất rừng, đất sản xuất, ảnh hưởng lớn đến di dân, tái định cư, cấp nước hạ du. Kiên quyết dừng đầu tư và đưa các dự án chiếm dụng đất rừng phòng hộ, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ra khỏi quy hoạch thủy điện đã được phê duyệt.

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới