Anh V. tiết lộ hiện nay anh làm cộng tác cho khoảng năm, sáu công ty, tạp chí, công ty truyền thông và cá nhân tổ chức giải thưởng quanh năm. Anh không hưởng lương ở bất cứ đơn vị nào mà chỉ nhận hoa hồng 30%-50% hợp đồng “hỗ trợ” giải thưởng mang về.
Vinh danh... thầy bói
Theo anh V., mang tiếng hợp đồng hỗ trợ chi phí tổ chức giải, khi nói chuyện với doanh nghiệp (DN) thì hứa nếu không đạt giải sẽ trả lại số tiền hỗ trợ nhưng thực sự khi DN đóng tiền là chắc chắn được giải. Anh cho hay các DN phải đóng 5-50 triệu đồng tùy vào quy mô giải, hễ tham gia tài trợ là đương nhiên có giải. Khi đi chào mời, anh V. xưng làm ở tạp chí này, tổ chức nọ để tạo uy tín, thậm chí có tạp chí thiết kế cho anh thẻ PV để làm việc với DN cho dễ. Có những giải thưởng do cá nhân làm, họ quan hệ “mượn mác” đơn vị tổ chức, sau đó các khâu mời người trao giải, tổ chức giải, truyền hình trực tiếp đều do người này đứng ra làm. Đơn vị cho “mượn mác” được chia một ít, người trao giải có phong bì.
Thậm chí có chuyện người ta vinh danh cả… thầy bói. Cụ thể là trong chương trình “Vinh quang Việt Nam 2015” (được giới thiệu do một số cơ quan và Công ty Hữu nghị Á Châu phối hợp tổ chức). Trong phần tuyên dương điển hình tiên tiến, người dẫn chương trình đọc: “Xin kính mời ông PBH ở Đắk Lắk”. Mỗi gương điển hình tiên tiến được tặng một “tượng vàng Thánh Gióng”. Sau này dư luận ngã ngửa khi biết rằng ông PBH là một thầy bói, từng bị công an địa phương xử phạt hành chính vì hành nghề mê tín dị đoan.
“Vinh dự có giá 51 triệu đồng”
Mới đây, một doanh nhân cho biết trên trang cá nhân rằng ông cũng được mời vinh danh. Ông kể: “Được ban tổ chức của một trung tâm với cái tên nghe rất hoành tráng mời đích danh, lại được tổ chức ở một địa điểm linh thiêng như chùa Bái Đính thì quá hãnh diện, vinh dự quá. Nhưng để có cái vinh dự ấy thì phải làm hồ sơ và kèm theo đó là liệt kê rõ cái giá phải trả cho từng sự vinh dự đó là bao nhiêu.
Bảng liệt kê mức hỗ trợ và quyền lợi mà ban tổ chức chương trình Nhà lãnh đạo xuất sắc - đơn vị phát triển bền vững 2015 gửi các lãnh đạo DN. Ảnh tư liệu
Một hàng gạo sạch tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại An Giang năm 2014. Chương trình này tạo được uy tín bởi sự chọn lọc, quy trình thẩm định nghiêm túc, được giới chuyên môn và người tiêu dùng bình chọn. Ảnh tư liệu
Ông liệt kê:
1. Danh hiệu Nhà lãnh đạo xuất sắc và được nhận bảng vàng ghi danh: 15 triệu đồng. Nhưng nếu muốn được tham dự lễ dâng hương và thả đèn thì phải là 25 triệu đồng chứ không phải là 15 triệu đồng.
2. Bảo tượng phật: 10 triệu đồng.
3. Vật phẩm con giáp theo tuổi: 8 triệu đồng.
4. Tranh chữ “tâm phúc lộc”: 8 triệu đồng.
Doanh nhân này kết luận: “Như vậy có thể suy ra rằng giá của sự vinh dự là 51 triệu đồng. Vậy hoặc bạn phấn đấu cống hiến để được vinh danh và cảm thấy vinh dự, hoặc bạn phải trả 51 triệu đồng để có được sự vinh dự”.
Ban tổ chức nói gì?
Dù doanh nhân trên không nêu đích danh đơn vị nào nhưng PV đã đi tìm hiểu và được ông Trần Tùng, Thường trực ban tổ chức chương trình này, cho biết chương trình Nhà lãnh đạo xuất sắc - đơn vị phát triển bền vững 2015 do Viện Khoa học Nghiên cứu nhân tài nhân lực trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Công ty Truyền thông và Thương mại TPP Hoàng Gia tổ chức tại chùa Bái Đính. Đây là lễ trao kỷ niệm chương, bảng vàng vinh danh các nhà lãnh đạo có thành tích. Do cơ quan viện không có kinh phí nên ban tổ chức cùng các DN kêu gọi các đơn vị, DN góp kinh phí cùng hỗ trợ chương trình trên tinh thần tự nguyện. Chương trình không phải là lễ trao giải thưởng mà được xem như một dịp để tập hợp các lãnh đạo đơn vị, cơ quan, DN ngồi lại với nhau tổng kết, dâng hương khu vực tâm linh và trao kỷ niệm chương. Tiêu chí trao kỷ niệm chương là người Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan đoàn thể, DN hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, có ý chí vượt lên khó khăn,…
Thế nhưng oái oăm là trong hồ sơ gửi kèm phiếu đăng ký cho các lãnh đạo DN, phần “Hỗ trợ và quyền lợi”, tất cả những gì người ta thấy được là mức hỗ trợ càng cao thì càng có nhiều danh hiệu và được tham gia nhiều sự kiện như đã liệt kê ở trên.
♦ ♦ ♦
Hằng năm trên cả nước có rất nhiều giải thưởng và lễ vinh danh được tổ chức bởi hệ thống các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; chính quyền... Đó là ghi nhận sự đóng góp cho cộng đồng, tôn vinh những thành tựu đóng góp vào sự phát triển của đất nước; đề cao những tấm gương vượt khó, hy sinh. Nó có tác dụng nêu gương để nhân rộng điều tốt đẹp, đồng thời cũng nhắc nhở người được trao về những giá trị cần giữ gìn, phát huy.
Thế nên khó chấp nhận kiểu giải thưởng chào mời và một trong các điều kiện tiên quyết là muốn giải thưởng thì phải đóng tiền.
Hôm trước vinh danh, hôm sau bị khởi tố Bà Trần Thị Thuấn Hoa, một trong các gương mặt được vinh danh tại một giải vào năm 2012, thì chỉ một năm sau bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, bà Hoa đã lập khống hàng loạt hóa đơn, chứng từ để nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh về chăn nuôi trái với quy định của pháp luật, chiếm đoạt 650 triệu đồng. Tháng 3-2011, TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Đình Chiến (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Đầu tư Thương mại Bắc Hà về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông này từng là nhân vật trong chương trình vinh danh trên một đài truyền hình. |
(Còn tiếp)