Loạn hộp đen xe ô tô

Theo Bộ GTVT, đến nay có 33 loại thiết bị giám sát hành trình (tạm gọi là hộp đen) xe ô tô được cấp giấy chứng nhận hợp quy (QCVN 31:2001). Nhưng trên thị trường lại đang tràn ngập hộp đen không hợp chuẩn, được chào bán và lưu hành công khai.

Cứ vô tư phóng!

Theo QCVN 31:2001, khi xe đạt đến tốc độ giới hạn cài đặt trước (ví dụ 80 hoặc 100 km/giờ), hộp đen phải phát tín hiệu cảnh báo cho lái xe bằng âm thanh hoặc đèn nháy. Tuy nhiên, nhiều lần đi xe khách trên đường cao tốc Trung Lương, chúng tôi nhận thấy đồng hồ tốc độ đã báo lên 120-140 km/giờ nhưng hộp đen không hề phát tín hiệu cảnh báo. Theo tài xế tên T. (xe 52N-120…), hộp đen mà anh ta lắp trên xe chỉ có giá 2,5 triệu đồng, trong khi giá thị trường phải từ 4,5 triệu đồng trở lên. “Lắp hộp đen cho có, để đối phó khi đi kiểm định, còn các chức năng cảnh báo, báo hiệu thì… không cần” - T. bảo.

Qua giới thiệu của cánh tài xế, chúng tôi tiếp xúc với một nhân viên tiếp thị của hãng EPOSI. Anh này chào hàng với chúng tôi một hộp đen được công nhận hợp chuẩn, nhưng khách hàng có thể tự cài đặt tốc độ giới hạn hoặc nếu cài trên 200 km/giờ thì đèn không nháy cảnh báo. Một “ưu điểm” nữa của thiết bị này là nó sẽ không truyền dữ liệu tốc độ về máy chủ đặt ở nơi điều hành xe của doanh nghiệp hoặc trung tâm quản lý của Nhà nước. “Xài hộp đen này thì bác cứ vô tư phóng, không sợ bị chủ xe hoặc người của Nhà nước theo dõi, giám sát, phạt vạ!” - nhân viên này quảng cáo.

Loạn hộp đen xe ô tô ảnh 1

Chất lượng các loại hộp đen đang bị thả nổi, do đó mục tiêu giám sát lái xe để giảm thiểu TNGT khó thực hiện. Ảnh: L.ĐỨC

Loạn phiên bản

Vào trang web của Bộ GTVT, chúng tôi được biết Công ty TNHH Viễn thông TÍT (đường Trần Phú, quận 5) có loại thiết bị được cấp chứng nhận hợp chuẩn là TGPS1. Theo QCVN 31:2001, loại thiết bị này phải có bộ phận thu nhận thông tin lái xe (RFID - hay còn gọi thẻ lái xe không dây) nhằm ghi nhận tên người lái, thời gian lái xe liên tục/lần và trong ngày. Nhưng khi chào bán cho khách hàng, nhân viên Công ty TÍT lại đưa ra loại thiết bị có mã là TGPS1A và nói thẳng: Phiên bản này không lắp chip, linh kiện để phát tín hiệu cảnh báo và lưu dữ liệu khi tài xế lái xe liên tục quá 4 tiếng/lần, quá 10 giờ/ngày nên giá rẻ hơn loại hợp chuẩn.

Tiếp tục tìm hiểu sản phẩm của một số công ty khác, chúng tôi thấy có sự khác biệt hoàn toàn giữa thiết bị được công nhận hợp chuẩn và phiên bản bán cho khách hàng. Ví dụ, có thiết bị dù có bộ phận RFID nhưng không ghi được tên người lái, chỉ ghi nhận và lưu giữ lỗi lái xe quá tốc độ chung chung. Do đó khi chủ xe hoặc cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra thì không thể xác định lỗi do tài xế nào gây ra.

Cũng theo QCVN 31:2001, hộp đen hợp chuẩn phải ghi nhận, lưu giữ, truyền được thông tin tất cả các lần xe chạy quá tốc độ đã cài đặt trong hộp đen và tốc độ quy định trên đường. Tuy nhiên, một nhà cung cấp giới thiệu với chúng tôi hộp đen của hãng anh ta có bộ phận lọc và chỉ truyền thông tin “tốc độ chuẩn” tới máy chủ. Như vậy trong suốt hành trình, dù tài xế có chạy quá tốc độ nhiều lần nhưng máy chủ luôn chỉ nhận được thông tin xe chạy đúng tốc độ. Chủ xe và cơ quan quản lý không có cơ sở để xử phạt người lái.

Ngoài ra, theo quy định hộp đen phải cập nhật, lưu trữ có hệ thống các thông tin tối thiểu trong một năm. Tuy nhiên, một số nhà cung cấp cho biết hộp đen của hãng chỉ lưu giữ thông tin trong thời gian 3-6 tháng. “Nhà nước chưa kiểm tra kỹ nên hãng chưa lắp thẻ nhớ có dung lượng cao để đỡ tốn kém cho khách hàng. Khi nào Nhà nước kiểm tra gắt, hãng sẽ thay thẻ cho quý khách!” - người bán hàng của hãng AD nói.

Nguyên nhân: Thiếu hậu kiểm

Theo quy định của Bộ GTVT, cơ quan chức năng cấp chứng nhận hợp quy cho hai loại hộp đen lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Đối với thiết bị sản xuất, lắp ráp trong nước, nhà sản xuất sẽ nộp mẫu thử nghiệm cho cơ quan đo lường để kiểm tra. Nếu được đánh giá đạt yêu cầu, thiết bị sẽ được Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận hợp quy. Sau đó nhà sản xuất được phép sản xuất hàng loạt theo mẫu hợp quy mà không phải kiểm định nữa. Nhưng do không có khâu hậu kiểm nên chất lượng các loại hộp đen mác nội hiện có trên thị trường đang bị thả nổi với nhiều “phiên bản” như nêu trên.

Đối với thiết bị nhập khẩu, nhà phân phối phải xin cấp chứng nhận hợp quy trên từng lô hàng nhập về. Chính vì vậy, một số công ty nhập khẩu đã lách luật bằng cách đăng ký là sản phẩm lắp ráp trong nước nhưng thực tế là hàng nhập khẩu 100%. Ngoài ra, để dễ bán hàng, ngay từ khi nhập hàng nhà phân phối đã chủ động chọn loại thiết bị có ít chức năng, chất lượng thấp, giá rẻ về sau đó dán mác hàng sản xuất nội địa lên.

“Tình trạng loạn chất lượng hộp đen hiện rất đáng quan ngại. Chất lượng thiết bị thấp thì mục tiêu quản lý, giám sát lái xe để giảm thiểu TNGT như Bộ GTVT đề ra sẽ không đạt. Nên chăng bộ cần sớm kiểm tra trên thực tế việc mua bán và lưu hành các loại hộp đen có hợp quy không, thay vì chỉ kiểm theo mẫu hoặc theo lô” - ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, kiến nghị.

Đến nay, Bộ GTVT chỉ giám sát được việc chủ xe có ráp hộp đen khi xe đi kiểm định theo chu kỳ. Nhưng cơ quan đăng kiểm lại cho chủ xe cam kết, nếu xe khách chỉ chuyên chạy dưới 300 km thì không phải ráp hộp đen. Vì vậy các chủ xe sẵn sàng cam kết gian dối để không phải tốn tiền mua, lắp ráp thiết bị.

Ông LÂM VĂN PHẤN,Chủ nhiệm HTX Việt Thắng

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm