Làng Diễn ‘đón’ bác Trọng

(PLO)- Người dân làng Diễn "đón" Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với "nghi thức" đặc biệt…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chọn Nghĩa trang Mai Dịch làm nơi yên nghỉ, người dân làng Diễn (tên người dân trước đây thường gọi cho khu vực quận Bắc Từ Liêm) truyền tai nhau về thời điểm di quan để cùng "đón" ông.

10 giờ sáng 26-7, trước cổng Nghĩa trang Mai Dịch từng đoàn người đến “đặt chỗ”. Ông Đỗ Văn Hùng, 73 tuổi, ngụ tại phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm nói cả làng chờ đón bác Trọng, và ai cũng muốn có mặt từ sớm.

nguoi-dan-lang-dien-don-bac-trong.jpg
Người dân làng Diễn đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: M.TRÚC

Ông Hùng chia sẻ, với những người sinh ra cùng thời, hiếm ai xuất sắc như Tổng Bí thư.

“Ông ấy để lại những bài học rất lớn cho Đảng và thế hệ trẻ, đó là sự trường tồn bền vững của dân tộc luôn luôn cần vun đắp, đấu tranh và hi sinh vì nó… Nếu vì lợi ích riêng, vun vén cho bản thân thì có một ngày chúng ta sẽ nhận lại đắng cay” - ông Hùng nói.

Là thế hệ trẻ trong làng Diễn, chị Hoàng Thị Thảo cho biết khi nghe tin nơi an nghỉ của Tổng Bí thư là Nghĩa trang Mai Dịch, chị rất xúc động, Ông về với làng Diễn.

Chị Thảo và gia đình chọn làm một việc ý nghĩa trong ngày đại tang là phát nước miễn phí cho người dân đến đón, tiễn Ông.

“Đây chỉ là một phần công sức nhỏ của tôi và gia đình không thấm vào đâu với công sức của bác Trọng với đất nước” - Chị Thảo chia sẻ.

Khi dòng người về khu vực Nghĩa trang Mai Dịch ngày một đông kèm theo cái nắng gần 39 độ C, những chai nước miễn phí của gia đình chị Thảo đã giúp cho nhiều người.

Cách vị trí chị Thảo không xa, ông Trần Văn Tuấn, 70 tuổi, ngụ ở Phúc Diễn giữ chặt trên tay tấm hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông nói dù tuổi cao, chân yếu nhưng vẫn muốn đến để mong nhìn linh cữu Tổng Bí thư, người đã dành cả cuộc đời cho đất nước. “Hôm nay không chỉ tôi mà những người dân xung quanh Nghĩa trang Mai Dịch đều gác lại công việc của mình để đón bác Trọng...” - ông Tuấn nói.

Các khu đất trống quanh Nghĩa trang Mai Dịch kéo dài từ Nguyễn Cơ Thạch đến đường Lê Đức Thọ không còn một chỗ trống, dù thời tiết nóng bức, khiến ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Nhưng sự quý mến Tổng Bí thư khiến mọi người dân đều nán lại.

Đúng 14 giờ 50 phút, tiếng còi xe dẫn đoàn vang lên, tất cả ánh mắt đổ dồn về hướng đường Hồ Tùng Mậu. Mọi người không ai bảo ai đồng thanh hô lớn “bác Trọng muôn năm”, âm thanh đó cứ ngày một lớn dần khi linh cữu Tổng Bí thư đến gần và khuất dần sau cổng Nghĩa trang Mai Dịch.

Khi trước mắt chỉ còn là khoảng trống, nhiều người đã cúi gập người xuống, lúc này khóe mắt ai cũng cay xè…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm