TS Nguyễn Thị Thiện Trí, giảng viên khoa Luật hành chính- Nhà nước, Đại học Luật TP.HCM nhìn nhận, trong khoảng 10 năm trở lại đây, TP.HCM đã nhận được nhiều ưu ái của trung ương về chính sách phát triển địa phương.
Theo TS Trí, về mặt pháp lý, tổng thể những chính sách đó là một thành tựu pháp lý quan trọng, một dấu son trong sự nghiệp đưa TP.HCM vươn tầm.
Trong sự nghiệp nhiều thách thức đó, TP.HCM đặc biệt được sự quan tâm mở đường của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt là những dấu ấn trong định hướng về phát triển TP.HCM của Tổng Bí thư đã phần nào đưa ra những nhiệm vụ, mục tiêu xứng tầm với đô thị hiện đại bậc nhất cả nước.
Tổng Bí thư - Người khai mở những cơ chế đặc thù cho TP.HCM
.Phóng viên: Vì sao bà cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển TP.HCM trong giai đoạn 10 năm trở lại đây?
+TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ: Trong suốt sự nghiệp lãnh đạo Đảng với cương vị của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, nêu ra và ký thông qua hai quyết sách quan trọng cho TP.HCM, mà từ đó, hàng hoạt các chính sách pháp luật về cơ chế đặc thù và chính quyền đô thị TP.HCM đã được ban hành và ngày càng được hoàn thiện, đổi mới qua thời gian.
Để khẳng định vị trí đầu tàu của TP.HCM không chỉ trong kinh tế, xã hội mà còn là một đô thị tiên phong trong trải nghiệm chính sách quản trị địa phương theo kiểu mới, mang cốt cách, tác phong của một thành phố năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm bức phá vượt qua những rào cản của thể chế đồng nhất thì chắc chắn không thể không nói đến sự chỉ đạo, sự dẫn đường về chính sách đổi mới mà Bộ Chính trị dành cho TP. HCM.
Đáng trân trọng và cần phải khắc ghi trong bối cảnh xây dựng chính quyền đô thị hiện nay của TP.HCM thì hai quyết sách tương ứng với hai chặng đường xây dựng và đổi mới chính quyền đô thị TP.HCM chính là hai Nghị quyết của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo soạn thảo, và ký ban hành, đó là Nghị quyết 16 và Nghị quyết 31.
Trước đó nhiều năm, câu chuyện khó khăn của TP.HCM trong điều hành, quản trị đã được nói và bàn luận trên các diễn đàn chính trị, hành chính, khoa học. Câu chuyện xé rào của chính quyền TP.HCM cũng đã được nói đến và nhắc nhở, lý do của thực trạng đó cũng được đặt ra bàn thảo, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó và chưa có những quyết sách nào được đưa ra để đưa TP.HCM ra khỏi mô hình quản lý chung đồng nhất, cũng vốn là nguyên nhân chính sinh ra nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đâu đó, thời điểm đó cũng có vài ý kiến về hướng đi mới cho TP.HCM nhưng rất dè dặt trong cả nội dung và quyết tâm chính trị.
Nâng tầm thể chế cho TP.HCM từ yêu cầu thực tiễn
.Những dấu ấn mà bà vừa nhắc đến, bà có thể phân tích sâu để thấy rõ tầm quan trọng của việc định hướng, hoạch định chính sách phát triển TP.HCM của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
+ Dấu ấn đầu tiên mà Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang đến cho TP.HCM là Nghị quyết 16. Đây là Nghị quyết có tác động lớn, mang tính khai mở không chỉ về tư tưởng, quan điểm, mà còn đặc biệt tác động đến tư duy hành động, quyết tâm đổi mới của chính quyền trung ương và chính quyền TP.HCM về mô hình chính quyền đô thị.
Với Nghị quyết này, những khó khăn, yếu kém của TP được chỉ ra một cách thẳng thắn. Từ việc nhìn nhận những mặt chưa được, không né tránh, những chỉ đạo chính sách cốt lõi có tác động trực tiếp ở hầu hết các mặt đã được đưa ra, trong đó dấu ấn sâu đậm của Nghị quyết đối với TP.HCM mà sau này chính là tiền đề cho hàng loạt các Nghị Quyết và chính sách khác trong xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM được ra đời.
Đó là khẳng định và đề ra giải pháp “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính” và câu chuyện “áp dụng cơ chế thí điểm bằng chính sách đặc thù cho TP.HCM đối với những vấn đề mới phát sinh, vấn đề lớn, nhạy cảm mà thực tiễn Thành phố đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp” theo đó càng được đẩy mạnh và ngày càng có quy mô hơn.
Việc đặt ra phương hướng, giải pháp đối với nhiệm vụ xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM trong bối cảnh thể chế về tổ chức chính quyền địa phương vẫn rất đậm đặc mô hình tổ chức truyền thống, chưa có sự phân hóa giữa nông thôn và đô thị, thì quan điểm chỉ đạo này của Bộ Chính trị là một ngọn đuốc sáng, đặt ra một khởi đầu mới cho hành trình xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM theo hướng hiện đại và hội nhập.
Từ đường lối mang tính khai mở đó, Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã được ban hành với sự chính thức thể chế hóa đầu tiên với tên gọi “cơ chế đặc thù” cho TP.HCM, mở đường và tạo đà cho chính sách pháp luật vượt trội về chính quyền đô thị TP.HCM.
Đặc biệt, đến năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị Quyết số 131/2020/QH14, chính thức hóa việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, bắt đầu cho sự ra đời của “chính quyền đô thị TP.HCM” với nhiều đổi mới vượt trội.
Dấu ấn chính sách thứ hai mà Bộ Chính trị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho TP.HCM, mang ý nghĩa chính trị lớn lao trong hành trình xây dựng và phát triển chính quyền đô thị TP.HCM là Nghị quyết 31.
Có thể nói, Nghị quyết 31 với những chỉ đạo vừa mang tầm chính sách vĩ mô vừa trực diện, sát sườn với nhu cầu của TP.HCM được xem là quyết sách chỉ đạo có tính bước ngoặt trong lịch sử xây dựng và phát triển chính quyền đô thị TP.HCM thời hiện đại.
Với Nghị quyết 31, quan điểm chỉ đạo tổng thể được đưa ra cũng chính là vấn đề then chốt cần hoàn thiện trong xây dựng chính quyền đô thị. Đó là “Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững"; “Ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới”, “Xây dựng cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hoá trong các lĩnh vực”, “tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung”…
Từ Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, dưới sự trực tiếp chỉ đạo biên soạn của Tổng Bí thư, có thể nói, hiếm có Nghị Quyết nào của Bộ Chính trị dành cho một địa phương lại mang nhiều tâm tư và nhắn gửi nhiều đến thế.
Cũng hiếm có một Nghị quyết nào của Bộ Chính trị lại làm khơi dậy một ý chí, sự kiên định của những nhà lãnh đạo, sự đồng lòng, đoàn kết của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, phát triển địa phương, và cũng hiếm có một Nghị quyết nào của Bộ Chính trị lại vẽ nên một bức tranh về một siêu đô thị năng động, hiện đại, dân chủ mà cách đây 20 năm nó chỉ là mơ ước.
Đặc biệt, với phương châm vô cùng trí tuệ và đầy tính nhân văn của Tổng Bí thư "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh", thì không chỉ Đảng, chính quyền và nhân dân TP.HCM vừa tự hào, vừa trách nhiệm, vừa quyết tâm cao độ với nhiệm vụ xây dựng chính quyền TP, mà nhân dân cả nước đều tự hào và gửi trọn niềm tin, sự khích lệ dành cho TP.
Trên tinh thần của Nghị quyết 31, Nghị Quyết 98 của Quốc về thí điểm một số cơ chế đặc thù cho TP.HCM đã được ban hành thay thế Nghị quyết 54.
Nghị quyết 98 đã đưa ra những cơ chế mới được xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát sinh tại TP.HCM và đồng thời xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, kinh tế và chiến lược phát triển của TP theo Nghị Quyết 31 của Bộ Chính trị. Do đó, có thể nói, về mặt chính trị, Nghị quyết 98 là sự cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quốc gia mà Trung ương, Đảng đặt ra với TP.HCM. Còn về pháp lý, đó là sự tiếp nối, bổ sung, nâng tầm những thể chế mới theo yêu cầu thực tiễn chính quyền TP.HCM đang đặt ra.
Bệ đỡ vững chãi cho sự phát triển của TP.HCM
.Những giá trị từ quan điểm của Tổng Bí thư về phát triển TP.HCM sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho TP.HCM trong chặng đường sắp tới, thưa bà?
+ TP.HCM hiện đang ra sức xây dựng và hoàn thiện tổ chức chính quyền đô thị theo tinh thần của Nghị quyết 31 và Nghị quyết 98. Mặc dù hành trình phía trước còn dài, nhiều thách thức, tuy nhiên, sức chiến đấu, quyết tâm của chính quyền và nhân dân TP.HCM trong công cuộc xây dựng chính quyền đô thị sẽ luôn được sự dẫn dắt, hun đúc từ những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị và tinh thần kiên định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mỗi chặng đường xây dựng và phát triển chính quyền đô thị TP.HCM đều có sự dẫn đường sáng suốt, trí tuệ, nhân văn, quyết liệt của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thực vậy, để đưa được một đô thị vươn tầm thế giới là một hành trình cam go, nhiều thử thách, chắc chắn không thể thiếu sự đương đầu, sự hy sinh và phải có một tấm lòng lo nghĩ cho đại cuộc. Hiện thực nói lên rằng, tương lai và sự phát triển của một địa phương là vô hạn, trong khi chính sách chỉ đạo nào cũng đều là hữu hạn. Tuy nhiên, chắc chắn một điều, trong hành trình phát triển của TP.HCM, chính sách của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua chính là bệ đỡ vững chãi và sáng suốt.
Lại cũng nói, thời nào chính sách nấy, và chính thời của hiện nay, TP.HCM đã may mắn được khai mở hướng phát triển mới bởi sự dẫn đường của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những quan điểm chỉ đạo mang tính thời đại, hòa quyện với một tấm lòng vì đại cuộc.
Xin cảm ơn bà!.
Từ quan điểm "cả nước vì TP.HCM", tạo thế chủ động trong phối hợp
Ngày 23-9-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội an ninh - quốc phòng; công tác xây dựng Đảng tại TP.HCM từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Ba tháng sau, tức ngày 30-12-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chuyến thăm thứ 15 - chuyến thăm cuối cùng tới TP.HCM của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được giới báo chí và lãnh đạo Thành phố bình chọn là 1 trong 10 sự kiện, vấn đề tiêu biểu năm 2022 của TP.HCM.
TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM nhìn nhận, qua chuyến thăm, làm việc, đặc biệt là bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo mang tính định hướng cho việc xác định quan điểm, định hướng và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM.
“Với lời lẽ giản dị nhưng rất cụ thể, rõ ràng, những phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành những quan điểm, nội hàm trong các văn bản của Đảng, Nhà nước về phát triển TP”- TS Bùi Ngọc Hiền cho biết.
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư đã khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TP.HCM trong tiến trình phát triển của nước ta.
Quan điểm này đã được khẳng định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, song Tổng Bí thư có nhấn mạnh “cần phải nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thành phố trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung và phát triển Vùng Đông Nam Bộ nói riêng”.
Qua đó, Tổng Bí thư cũng mong muốn TP.HCM “sẽ tăng cường đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, quyết tâm đổi mới mạnh hơn nữa; nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa; phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mình đối với vùng Đông Nam Bộ…
“Đây như là sự tin tưởng, trao gửi trách nhiệm, lời động viên của người đứng đầu Đảng với TP.HCM, một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ… của cả nước”- TS Hiền chia sẻ.
Cũng theo TS Hiền, Tổng Bí thư đã đưa ra quan điểm “cả nước vì TP.HCM” chứ không chỉ đơn thuần 1 chiều là "TP.HCM vì cả nước". Quan điểm này sau đó đã được cụ thể hóa thành một quan điểm trong Nghị quyết số 31 mà Tổng Bí thư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành. Đây có thể coi là sự định hình rõ nét để TP.HCM làm bước đệm, như một cú hích để TP bứt phá, dần phục hồi sau dịch COVID-19, và lấy lại đà phát triển kinh tế.
TS Hiền cho rằng, góc nhìn này đã cho thấy còn có cả trách nhiệm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, bộ ngành và các tỉnh, thành đối với TP.HCM.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư yêu cầu “có cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội hơn so với Nghị quyết 54 của Quốc hội khóa XIV”. Đây chính là tiền đề để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành Nghị quyết số 98 với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực.
Nghị quyết này đã mở ra không gian chính sách mới cho TP.HCM quản lý, tổ chức phát triển trong bối cảnh phát triển mới. Hay trước đó, trong quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết số 54, Tổng Bí thư cũng đã có những chỉ đạo mang tính định hướng quan trọng. Điều này cho thấy sự quan tâm sâu sát của Tổng Bí thư đối với việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM theo tiến trình thời gian. Trên thực tế, từ khi Nghị quyết số 54 và hiện nay là Nghị quyết số 98, ngoài việc góp phần đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới hoạt động quản lý, phát triển đô thị TP.HCM, nhiều kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được thông qua các nghị quyết này.
“Từ quan điểm chỉ đạo này, chúng ta có thể nhận thấy tinh thần chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền Thành phố trong hơn một năm qua cũng như tinh thần sẻ chia trách nhiệm, chung tay hợp sức của các bộ, ngành Trung ương trong xây dựng các cơ chế, chính sách, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện các nghị quyết quan trọng của Đảng, Nhà nước về phát triển TP.HCM như Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31, và gần đây nhất là Nghị quyết 98”- TS Hiền đánh giá.
Vấn đề cụ thể về quản lý và phát triển TP.HCM cũng được Tổng Bí thư đề cập như: “cơ cấu lại nền kinh tế của Thành phố gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”; “tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tháo gỡ những ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực”; “ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân”; các chỉ đạo về quản lý, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…
Từ những chỉ đạo này và các văn kiện, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của cấp trên, TP.HCM đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ - giải pháp về quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị…