Trước sự mất mát to lớn của dân tộc Việt Nam, nhiều người dân đã bày tỏ sự tiếc thương, tưởng nhớ, gửi gắm những dòng tâm sự, tri ân đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua tính năng sổ tang điện tử trên ứng dụng VNeID.
Người dân bày tỏ niềm tiếc thương
Chia sẻ cảm xúc khi viết sổ tang trực tuyến, chị Võ Thị Kiều Diễm, nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho biết bản thân rất xúc động khi viết những dòng tâm sự gửi đến Tổng Bí thư.
Trên sổ tang điện tử, chị Diễm viết: “Vô cùng thương tiếc bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc đời và sự nghiệp của bác sẽ mãi là tấm gương sáng để tuổi trẻ chúng con học tập và noi theo”.
Chị Diễm cũng nói thêm, sổ tang điện tử trên VNeID là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ dành cho người dân, tạo cơ hội để người dân gửi lời tri ân đến bác Trọng. Bởi nhiều người vì điều kiện kinh tế khó khăn hoặc khoảng cách địa lý không thể đi viếng trực tiếp thì có thể lên VNeID để bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của bác.
Cũng nói về sổ tang điện tử trên ứng dụng VNeID, bạn Nguyễn Thị Bích Ngọc, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết đã gửi lời chia buồn, tri ân đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay khi ra mắt tính năng.
“Sổ tang điện tử trên ứng dụng VNeID mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong thời đại công nghệ số, cho phép người dân truy cập và viết lời chia buồn bất kỳ lúc nào, bất kỳ đâu, tạo điều kiện cho những người không thể đến viếng trực tiếp. Đây là sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước giúp người dân bày tỏ tình cảm của mình” - chị Ngọc nói.
Hoà chung nỗi đau của dân tộc, Bích Ngọc đã viết: “Vô cùng thương tiếc bác Trọng. Sự ra đi của bác là một mất mát to lớn. Với lòng kính trọng sâu sắc nhất, cháu xin gửi lời tri ân đến sự lãnh đạo tài ba và kiên định của bác. Đóng góp của bác sẽ mãi được ghi nhớ trong trái tim của nhân dân Việt Nam. Chúng cháu sẽ tiếp tục phát huy những giá trị và di sản mà bác đã xây dựng, để đất nước ngày càng phồn thịnh và vững mạnh”.
Những dòng chữ nghẹn ngào
Chung niềm tiếc nuối, thương cảm như hàng triệu người dân Việt Nam khác, bạn Trần Lê Dũng, sinh viên một trường Đại học tại TP.HCM cho biết lối sống giản dị, tư tưởng yêu nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng để người dân noi theo, đặc biệt là thế hệ trẻ.
“Những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến tôi thật sự xúc động và tự hào. Vị lãnh đạo đáng kính luôn dành sự quan tâm đến thế hệ trẻ, truyền lòng yêu nước và giữ nước. Ông đã dành cuộc đời mình để phát triển Đất nước, đem lại hoà bình, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam. Tôi mong nhân dân ta sẽ đồng sức, đồng lòng để tiếp nối những gì Tổng Bí thư để lại” - bạn Dũng nghẹn ngào.
Bằng niềm tiếc thương vô hạn, bạn Trần Lê Dũng viết sổ tang trực tuyến với những dòng tâm sự đầy thành kính: “Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người giản dị, tài hoa, gần gũi với quần chúng nhân dân. Con không có thể ra viếng bác nhưng lòng con luôn hướng về bác kính yêu.
Cảm ơn bác đã cống hiến cả cuộc đời vì nước, vì dân. Vĩnh biệt bác, vĩnh biệt trái tim lớn vĩ đại”.
Bày tỏ niềm tiếc thương trên sổ tang điện tử, ĐNK viết: “Cháu xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người Đảng viên Cộng sản kiên trung. Bác đã cống hiến vì sự nghiệp Đất nước đến hơi thở cuối cùng. Cháu xin tự hứa sẽ mãi học và làm theo tư tư tưởng Bác Hồ và bác Trọng, phấn đấu là đảng viên tốt, luôn khắc ghi lời dạy của bác: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Một lần nữa xin được bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn tới người thân và gia đình Tổng Bí thư”.
Bằng sự kính trọng, tiếc thương, chị Huỳnh Thơ chắp bút: "Sinh nhật tuổi 25 của con lại là một ngày buồn! Không giống như mọi năm, cảm xúc ngày đón tuổi mới năm nay của con lạ lắm! Nó đượm buồn vì cũng chính những ngày này, bác ra đi mãi mãi! Nhìn dòng người xếp hàng tiễn đưa bác, xem hình ảnh những người thân của bác đau buồn vì bác ra đi khiến con không thể kềm được nước mắt, con nghĩ mình cũng vừa mất đi một điều gì đó thật quan trọng. Cả cuộc đời, cả thanh xuân bác đã tận tuỵ vì nước, vì dân, tất cả những điều bác làm đã để lại cho thế hệ sau vô vàn bài học quý báu. Con tin rằng người dân Việt Nam sẽ cùng nhau cố gắng để đất nước ngày một phát triển hơn nữa. Hãy yên tâm bác nhé!".
Một trái tim lớn ngừng đập, triệu nỗi lòng đau đáu còn đây!
Những ngày qua, người dân Việt Nam cùng những bạn bè Quốc tế ai nấy đều không khỏi xót xa, thương tiếc trước sự ra đi của một trái tim lớn- Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Những giọt nước mắt, những cái chắp tay và phút mặc niệm hết sức thành kính của hàng triệu trái tim tiễn đưa Tổng Bí thư khi người mãi mãi rời xa nhân thế.
Vào sáng ngày 25-7, Lễ tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành tại nhà tang lễ Quốc Gia với sự chứng kiến của Phu nhân Ngô Thị Mận và gia quyến cùng các cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế. Khung cảnh lúc ấy được chiếu trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tôi đã theo dõi xuyên suốt thời gian diễn ra Lễ tang của Tổng Bí thư, và, hình ảnh thiêng liêng, sâu sắc nhất mà đọng lại mãi trong tôi chính là khi Phu nhân của Tổng Bí thư với dáng vóc đã tiều tụy đi nhiều phần, nghẹn ngào bên linh cữu của chồng mình. Tuy chỉ nhìn thấy được qua màn hình, nhưng ai mà không khỏi đau xót cho một hạnh phúc chẳng mấy được thâm tình, gần bên mà nay đã vội rời xa.
Tôi tự hỏi phải cảm thông, rộng lượng, thủy chung đến nhường nào thì bà Ngô Thị Mận mới chấp nhận làm một hậu phương vững chắc để Tổng Bí thư dành trọn cuộc đời lo toan cho nước nhà ngày một phồn vinh. Để lúc này đây, khi Tổng Bí thư đã không còn phải lo nghĩ về việc nước thì ông cũng đã không còn đủ sức khỏe mà về đoàn tụ, hạnh phúc bên gia đình. Với sự cống hiến đến những giây phút cuối cùng của Tổng Bí Thư cho Tổ quốc tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nợ Phu Nhân Ngô Thị Mận một lời xin lỗi. Xin lỗi vì Nước nhà đã giữ ông lại quá lâu, xin lỗi vì bà đã mất đi một người chồng mà bà hết mực yêu thương và hậu thuẫn.
Sau khi xem trực tiếp lễ tang của Tổng Bí thư vào buổi sáng thì đến 18 giờ cùng ngày, người dân trên cả nước được vào viếng Tổng Bí thư. Tôi ở TP.HCM nên nên địa điểm để viếng Tổng Bí thư là Hội trường Thống Nhất. Lúc này đây, xin cho tôi được xưng hô là “con và bác Trọng”.
Bác Trọng ơi, nước ta mấy bận rày mưa nhiều bác nhỉ? Khi con hòa trong dòng người đến viếng bác Trọng, con cũng có một niềm tự hào khi thấy người Việt Nam dù ở xa xôi, cách trở biết mấy vẫn một lòng hướng về nơi đây để tưởng niệm và kính tiễn “trái tim to lớn của một người Cộng Sản”. Chúng con ai cũng ăn mặc lịch sự, trang nghiêm, cũng cười cười nói nói cho tạm quên đi nỗi buồn nhưng con biết rằng đã là con cháu cụ Hồ, đã đặt chân đến đây thì chí ít trong lòng ai ai cũng lắng đọng nỗi thương tiếc khôn ngôi. Mấy anh, chị, cô, chú chiến sĩ; công an; tình nguyện viên ai cũng tất bật lo liệu cho hậu sự của bác Trọng được chu toàn. Con thấy trên chiếc áo, trên vầng trán của họ đã ướt đẫm mồ hôi nhưng ai nấy cũng một lòng mà cố gắng, tạo điều kiện cho Tổng Bí thư và nhân dân được gặp nhau lần cuối một cách trọn vẹn nhất.
Đến khi chúng con được tiến vào hội trường đến giây phút mặc niệm, con đau lòng lắm, con không tin đây là lần cuối được gọi "Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng” và con tin người dân Việt Nam cũng thế, cũng chẳng thể nào quên đi được sự mất mác lớn lao này. Con thấy được điều đó qua những giọt nước mắt, những lời chia sẻ hết sức thành kính gửi đến bác Trọng của dân ta.
Trên mạng xã hội, con thấy rất nhiều cá nhân không ngại thời tiết xấu vẫn nhẫn nại xếp hàng chờ viếng bác Trọng. Ở TP. Hà Nội con thấy nhiều người dân còn cấp nước, bánh kẹo, hỗ trợ quạt máy, quạt giấy cho những người đi viếng Tổng Bí thư. Tuy chúng con phải xếp hàng rất dài và đợi đến khuya muộn nhưng không sao đâu ạ. Bác Trọng đã dành một đời lo cho Đất Nước, lo cho Nhân Dân đến cả một chiếc áo của mình bị sờn đi bác cũng chẳng mua mới mà chỉ cắt bỏ thôi thì lý gì chúng con- những cá nhân đang được sống trong những công lao to lớn của bác lại chẳng thể kiên nhẫn chờ đợi để gặp vị Tổng Bí thư của nhân dân lần cuối ạ.
Giờ đây, con chỉ có thể mong bác Trọng ra đi thật thanh thản. Bác Trọng đã làm rất tốt trách nhiệm của một người Cộng sản với Tổ quốc. Nghỉ ngơi thôi bác Trọng nhé, phần việc còn lại để chúng con- thế hệ trẻ mai sau gánh vác và phát huy.
Nguyễn Thanh Tâm Thy, 18 tuổi, Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM