Mới đây trên một hội nhóm về ô tô, một thành viên chia sẻ đoạn video về hàng loạt ô tô bị xịt sơn đỏ lên xe do những xe này đậu xe sai quy định.
Quan sát trên video có thể thấy 5 chiếc ô tô đậu liên tiếp nhau bị xịt sơn lên phần cánh xe, đuôi xe. Phía cuối, chủ nhân video còn quay tại nơi đặt biển báo cấm dừng, đỗ xe nhưng có rất nhiều xe vẫn ngang nhiên đậu xe tại đây.
Sau khi video được đăng tải cũng nhận được nhiều lượt like, bình luận và chia sẻ. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng khu vực này nên có camera phạt nguội và đồng thời nên xử lý đối với người xịt sơn lên xe.
|
Video được chia sẻ trên mạng xã hội. |
Anh Nguyễn Tuấn Dương bình luận: “Đậu xe biển cấm thì rõ là sai rồi. Nhưng phá hoại tài sản thế này là không được, chưa kể đến nếu chủ xe sơn lại xe tốn tiền triệu có thể đủ cơ sở để khởi tố.”
Một ý kiến khác cũng nhận định: “Cá nhân tôi thì thấy dù đỗ sai thì cũng sai với quy định của pháp luật. Sao nhiều người lại cổ vũ cho việc phá hại tài sản này, kiểu như có ô tô mà không có tiền gửi này. Giờ đa số xe nào cũng lắp camera, sẽ dễ dàng tìm ra người xịt sơn để xử lý”.
Anh Chu Võ lại cho rằng, đúng là ở các khu vực thành phố có hiện trạng “đất chật người đông”, kiếm chỗ đậu xe gần nhà không dễ, giờ lại bị phá hoại.
Anh Lê Trung lại cho rằng các chủ xe này tiếc tiền gửi xe thì lại mất tiền sơn xe.
Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng chia sẻ gặp nhiều tình trạng đậu xe không đúng nơi quy định, lấn chiếm lòng lề trước tại khu dân cư họ sinh sống hoặc nơi làm việc.
Liên quan đến hành vi này, trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Xét riêng về hành vi xịt sơn lên xe người khác thì đó là tội cố ý phá hỏng tài sản. Dù người đậu xe có lỗi, nhưng từng hành vi của mỗi người sẽ bị pháp luật điều chỉnh riêng. Như vậy hành vi xịt sơn đã vi phạm pháp luật mặc dù nguyên nhân dẫn đến có thể do lỗi của chủ xe”.
Luật sư Tuấn phân tích, hành vi của người xịt sơn lên xe có thể sẽ cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản tại điều 178 BLHS 2015. Nếu thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 BLHS 2015 thì sẽ bị xử phạt hành chính. Theo đó, người này có thể bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng về hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”.
“Nếu thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 178 thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự”- luật sư cho hay.
Riêng đối với người điều khiển phương tiện, luật sư cho biết Luật giao thông đường bộ 2008 đã quy định không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: bên trái đường một chiều, trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất, trên cầu, gầm cầu vượt, che khuất biển báo hiệu đường bộ.
Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây: Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
“Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định”- luật sư nói thêm.
Ông Nguyễn Khắc Xuân (CEO Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair), cũng cho biết chủ xe nên làm đơn tố giác tội phạm, trường hợp người thực hiện hành vi tạt sơn không đền mà có bảo hiểm thì yêu cầu đơn vị bảo hiểm bồi thường và chuyển quyền đòi bên gây thiệt hại cho đơn vị bảo hiểm đó.
“Tuy nhiên với điều kiện là công ty bảo hiểm có hợp đồng bảo hiểm cho hành vi phá hoại”- ông Xuân nhấn mạnh.
Dừng, đỗ xe sai quy định và gây tai nạn có thể bị tước bằng lái tới 4 tháng
Căn cứ vào Điều 5 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), quy định nhiều mức phạt khác nhau cho các hành vi dừng xe, đỗ xe không đúng quy định.
Đơn cử như mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 200-400 ngàn đồng: Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.
Phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng: Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; dừng xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe; dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe; dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 4, điểm b khoản 6 Điều này;
Đáng chú ý, người điều khiển xe có thể bị xử phạt lên đến 12 triệu đồng khi vi phạm các hành vi sau: Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều này;
Ngoài ra, tuỳ vào từng hành vi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, người điều khiển xe còn có thể bị tước giấy phép lái xe từ 1-4 tháng.