Loạt thách thức đối ngoại chờ đợi tổng thống Mỹ tiếp theo

(PLO)- Bên cạnh các vấn đề trong nước, hàng loạt thách thức quốc tế và nhiều cuộc khủng hoảng tiềm tàng đang chờ đợi tổng thống Mỹ tiếp theo.

Ngày bầu cử tổng thống Mỹ 2024 không còn xa nữa. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (đại diện đảng Cộng hoà) và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (đai diện đảng Dân chủ) đã nỗ lực thuyết phục cử tri trong các vấn đề như kinh tế, văn hóa, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, cùng nhiều vấn đề trong nước khác. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều vấn đề nóng đang diễn ra ở nước ngoài liên quan Washington và rất nhiều trong số này có thể sẽ không sớm được giải quyết.

Bất kể ai được bầu vào Nhà Trắng sắp tới khả năng sẽ phải đối mặt nhiều thách thức quốc tế, và cả các khủng hoảng tiềm tàng.

Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và chính sách đối ngoại của ông được đánh dấu bằng chiến lược “Nước Mỹ trên hết”. Chiến lược này đã thay đổi hoàn toàn vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Nếu tái đắc cử, không rõ cách tiếp cận của ông Trump sẽ như thế nào khi cựu tổng thống gần đây đã bày tỏ một số ý kiến ​​gây tranh cãi liên quan Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cách ông sẽ xử lý xung đột Israel-Hamas và xung đột Nga-Ukraine.

Ngược lại, các vấn đề quốc tế đang là một rào cản với bà Harris. Nữ phó tổng thống vẫn chưa đưa ra một nền tảng nào của bà về các vấn đề Nga-Ukraine, Trung Quốc, Triều Tiên,... Không rõ có bao nhiêu chính sách của bà Harris sẽ dựa trên cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden.

Dưới đây là một số vấn đề quốc tế đáng chú ý đang chờ đợi tổng thống Mỹ tiếp theo, theo trang Business Insider.

Xung đột Nga-Ukraine

Sau hơn 2 năm rưỡi giao tranh, cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn chưa thấy hồi kết bất chấp thương vong lớn từ cả hai bên.

Dù Kiev gần đây gây sốc khi đưa quân tràn sang tấn công tỉnh Kursk (Nga) nhưng lực lượng Moscow ở chiến trường Ukraine vẫn tiếp tục tiến quân.

Binh sĩ Ukraine ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine hồi tháng 2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Gắn liền với cuộc chiến là viện trợ quân sự. Mỹ là nhà cung cấp hỗ trợ an ninh lớn nhất cho Ukraine nhưng sự chia rẽ trong quốc hội Mỹ đôi khi khiến việc gửi thêm hỗ trợ trở nên khó khăn.

Song song đó, Washington và các đồng minh liên tục cáo buộc Iran và Triều Tiên gửi vũ khí cho Nga - diễn biến khiến Mỹ lo ngại về một trục được hình thành từ các đối thủ của Washington.

Đến nay, ông Trump và bà Harris đã bày tỏ quan điểm trái ngược nhau về việc ủng hộ Ukraine, điều này làm tăng thêm sự bất ổn cho tương lai của Kiev.

Trong khi ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi ông tái đắc cử và nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi NATO, bà Harris nói rằng bà “sẽ sát cánh cùng Ukraine và các đồng minh NATO”.

Trung Quốc

Các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt những vấn đề liên quan Trung Quốc, Đài Loan và Philippines, cũng như các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực, khả năng sẽ là những vấn đề quan trọng mà vị tổng thống Mỹ tiếp theo phải đối mặt.

Lầu Năm Góc từ lâu đã xác định khu vực này là trọng tâm, ngay cả khi Mỹ bị các cuộc xung đột ở những khu vực khác chi phối.

Các cuộc đụng độ đang diễn ra giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông bắt nguồn từ những tranh chấp lâu đời và có khả năng sẽ leo thang, dẫn đến nguy cơ lôi kéo Mỹ vào khu vực bằng hiệp ước phòng thủ chung với Manila.

Tàu Trung Quốc triển khai vòi rồng vào một tàu Philippines ở Biển Đông vào ngày 5-3. Ảnh: CNN

Một điểm nóng tiềm tàng khác mà Mỹ quan tâm là căng thẳng xuyên eo biển Đài Loan. Một báo cáo do quân đội Mỹ công bố hồi tháng 5 cho rằng căng thẳng này có nguy cơ bùng nổ thành xung đột vào năm 2027.

Ông Trump và bà Harris cũng bất đồng quan điểm về vai trò của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Trump thể hiện sự ủng hộ ít hơn đối với các liên minh, để lại sự mơ hồ xung quanh các cam kết quốc phòng của Mỹ đối với Đài Loan. Trong khi đó, bà Harris nhiều lần chỉ trích hành vi của Bắc Kinh trong khu vực và nhất trí với ông Biden trong việc hỗ trợ Đài Loan.

Trung Đông

Một vấn đề lớn khác là cuộc chiến đang diễn ra của Israel ở Gaza - vấn đề đã đặt ra nhiều thách thức khác nhau cho chính quyền Tổng thống Biden.

Theo số liệu của cơ quan y tế Gaza, tính đến nay, các chiến dịch ném bom và hoạt động trên bộ của Israel đã giết chết hơn 40.000 người Palestine.

Người dân kiểm tra các hố bom sau cuộc không kích của Israel ở phía nam Dải Gaza ngày 10-9. Ảnh: EPA

Chiến dịch của Israel cũng dẫn tới căng thẳng gia tăng giữa nước này với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran ở Trung Đông, đe dọa đưa khu vực đến bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện.

Một vấn đề nổi cộm khiến Mỹ đặc biệt quan tâm trong xung đột này là các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthis (Yemen) vào các tàu thuyền đi qua Biển Đỏ. Mỹ đã gửi lực lượng, đặc biệt tàu sân bay và tàu khu trục, đến Trung Đông để ngăn chặn Iran và đối đầu Houthis.

Theo Business Insider, những nỗ lực ngăn chặn Houthis đã khiến Mỹ tiêu tốn hơn 1 tỉ USD tiền vũ khí, bao gồm tên lửa đất đối không, tên lửa tấn công mặt đất, tên lửa không đối không và vũ khí không đối đất.

Quan điểm của bà Harris về Israel và Gaza phần lớn giống với ông Biden, đó là: Ủng hộ Israel nhưng liên tục kêu gọi ngừng bắn. Tuy nhiên, những vấn đề của Nhà Trắng liên quan người biểu tình ủng hộ Palestine và bất đồng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang ảnh hưởng chiến dịch tranh cử của bà Harris.

Ông Trump đã thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với Israel trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông và đưa ra nhiều quyết định để cải thiện quan hệ Mỹ-Israel. Liên quan xung đột hiện tại, cựu tổng thống nói rằng ông ủng hộ cuộc chiến của Israel ở Gaza và sẽ tiếp tục cung cấp cho Israel vũ khí và viện trợ nếu ông tái đắc cử.

Triều Tiên

Triều Tiên thời gian gần đây có nhiều động thái khẳng định vị thế hạt nhân của mình và tiếp tục thúc đẩy các chương trình tên lửa, đồng thời tăng cường đáng kể mối quan hệ với các đối thủ của Mỹ.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) trong bức ảnh do KCNA công bố ngày 10-9. Ảnh: KCNA

Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục các hành động mà Washington cho là “khiêu khích”. Điều này làm dấy lên lo ngại về xung đột liên Triều - một diễn biến chắc chắn sẽ lôi kéo sự can thiệp của Mỹ.

So với các vấn đề khác, ông Trump và bà Harris cho thấy sự thống nhất hơn về chính sách Triều Tiên, đó là thể hiện sức mạnh răn đe và yêu cầu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.

Trong việc định hình chính sách của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên, tổng thống tiếp theo cũng có thể phải đối mặt với những thách thức từ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, một người theo đường lối cứng rắn với Triều Tiên hơn so với chính quyền trước. Việc này đòi hỏi Washington phải điều hướng khéo léo các mối quan hệ song phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới