Sáng 31-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng và việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
Phát biểu về việc tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành nhiều thời gian để chia sẻ những trăn trở của ông về vấn đề cải cách, sắp xếp lại để bộ máy “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”.
“Đây là vấn đề rất lớn và chúng ta đang tập trung làm để bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, không hình thức mà phải đúng thực chất như đại biểu nêu HĐND phải có người tài, không kiêm nhiệm” - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư nhấn mạnh từ Đại hội XII, Nghị quyết 17 của Trung ương đã đánh giá bộ máy Nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Cho đến nay việc sắp xếp lại mới làm ở xã, huyện còn tỉnh chưa làm. Tương tự mới làm ở cấp cục, vụ, tổng của bộ ngành còn trung ương chưa làm.
"Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở. Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng. Cách thức phải như thế nào và đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn” – Tổng Bí thư cho hay.
Theo ông, đây là vấn đề được Trung ương nói mấy nhiệm kỳ rồi, do vậy “chúng ta phải thẳng thắn, mạnh dạn nhìn nhận lại” để sửa đổi. “Ngay chúng ta ở đây cũng phải xem xét có cồng kềnh, có hiệu lực, hiệu quả không? Mình đến làm 8 tiếng có đúng, đủ, cống hiến, đóng góp, có xứng đáng để nhận đồng lương đó không. Tất cả mọi người đều phải làm, có trách nhiệm trong việc này và mình làm không đạt được yêu cầu đó phải xấu hổ..." - Tổng Bí thư chia sẻ.
Tổng Bí thư cho hay tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. Đồng thời, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn, nhìn nhận vào các chỉ số này và nếu không làm sẽ không phát triển được.
"Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được" - Tổng Bí thư lưu ý và dẫn chứng hiện nay ngân sách đang chi khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
Ông dẫn số liệu các nước chi cho bộ máy hơn 40%, trong khi nước mình chi khoảng 70%, chỉ còn lại 30% để chi cho đầu tư phát triển, quốc phòng, an ninh, xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội.
“Nguyên cái này so sánh ra thì chúng ta thấy vô cùng sốt ruột” – Tổng Bí thư nhấn mạnh và cho rằng ít nhất cần dành trên 50% ngân sách để đầu tư phát triển, chi cho quốc phòng an ninh, an sinh xã hội…
Theo Tổng Bí thư, bộ máy khổng lồ cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến chúng ta không thể tăng lương. Nếu tăng lương thì 80-90% ngân sách sẽ phải dành để nuôi bộ máy, lúc đó không còn tiền để chi cho các hoạt động khác.
“Bộ máy cồng kềnh thì kìm hãm sự phát triển” – Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh phải tiếp tục cải cách, tinh gọn, giảm biên chế, tăng cường hiệu lực hiệu quả của bộ máy.
Theo Tổng Bí thư, hiện nay có tình trạng nhiều bộ ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, nặng cơ chế xin - cho.
Thậm chí có việc một ông chuyên viên ở bộ ngành có ý kiến khác thôi là toàn bộ hệ thống lại phải dừng lại để đánh giá lại, họp lại, rất mất thời gian. Hay một vấn đề không biết ai chủ trì. Cụ thể như vấn đề nguyên vật liệu (cát, đá, sỏi) để làm đường giao thông liên quan 5-6 bộ ngành nhưng không biết bộ nào chủ trì.
“Bộ GTVT nói sông đó là khơi thông luồng lạch cho giao thông thì chúng tôi có trách nhiệm. Nếu doanh nghiệp nào làm khai thác lòng đất thì chúng tôi trả tiền vì giúp khơi thông luồng lạch. Bộ TN&MT nói không được vì là kho tài nguyên, ai muốn khai thác phải trả tiền. Doanh nghiệp vừa phải trả tiền vừa được tiền.
Còn Bộ Xây dựng nói là vật liệu xây dựng. Một vấn đề thôi bao nhiêu cuộc họp nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính thì chả biết ai. Bộ máy cứ như thế thì làm sao chịu được, không thể chịu được những cái cồng kềnh” – Tổng Bí thư nói và cho hay điều cũng lặp lại tương tự ở địa phương.
“Tại sao một vấn đề đơn giản lại cồng kềnh, chồng chéo, khó khăn đến thế, mất bao nhiêu thời gian?” – Tổng Bí thư đặt câu hỏi và nhận định chính cách thức quản lý như vậy là mảnh đất để các tiêu cực nảy sinh, thậm chí tội phạm len lỏi lợi dụng cơ chế, làm suy yếu chức năng quản lý nhà nước của địa phương.