Ngày 30-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) thống nhất với ý kiến giải trình của Ủy ban Thường vụ QH trong làm rõ cơ sở pháp lý và thực tiễn việc chuyển nội dung quy định về quản lý máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sang dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
“Tôi cho rằng nội dung quy định về máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong dự thảo luật được quy định khá phù hợp, hài hòa với lợi ích quốc phòng, an ninh, với phát triển kinh tế - xã hội” - ĐB Huy đánh giá.
Đề cập đến tổ chức lực lượng hàng không nhân dân trong các doanh nghiệp (DN), ĐB Huy đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu để bảo đảm quy định phù hợp, khả thi, không làm gia tăng chi phí tuân thủ và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các DN.
Theo ĐB Huy, quy định này chỉ phù hợp với loại hình nhà máy, xí nghiệp, DN, công trình năng lượng lớn của quốc gia. Lý giải, ông Huy nói đây là những mục tiêu có thể sẽ bị địch bắn, đánh phá ngay trong giai đoạn đầu và chiến tranh, do đó cần có biện pháp và nhân lực tại chỗ nhằm giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Còn với các DN khác thì quy định này chưa thực sự phù hợp, vì nhân sự của DN sẽ vừa phải thực hiện nhiệm vụ dân quân tự vệ vừa thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân. Điều này sẽ khiến họ không tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn, còn DN phải tốn thêm chi phí để tuyển lao động thực hiện các công việc này…
Giải trình sau đó về vấn đề này, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết chúng ta không xác định như thế là mục đích quân sự. Ở đó những nhà máy, xí nghiệp, công xưởng có ảnh hưởng quan trọng thì sẽ bị tiến công tiêu diệt chứ không phải cứ to mới đánh.
“Nếu bố trí lực lượng phòng không sẽ chặn được đường bay của các loại phương tiện bay dưới 5.000 m. Nó cũng như đường dưới đất, không phải bay bất kỳ chỗ nào cũng đánh các mục tiêu khác” - bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu.
Về một số ý kiến liên quan tới cấp phép bay cho máy bay không người lái, phương tiện bay khác, Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐB. Đại tướng cũng nhấn mạnh ai có quyền ra lệnh (cấp phép bay) thì người đó có quyền thu hồi lệnh.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho hay quy định cấp phép bay đối với máy bay không người lái, phương tiện bay khác, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉnh lý, bổ sung quy định Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay.
Bộ Quốc phòng sẽ căn cứ vào loại phương tiện, độ cao, tính chất hoạt động của máy bay không người lái và phương tiện bay khác để phân cấp thẩm quyền cấp phép bay cho Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh TP.HCM, Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh. Đồng thời, bổ sung Bộ Công an được cấp phép bay cho các chuyến bay của máy bay không người lái, phương tiện bay khác của Bộ Công an và phải thông báo cho Bộ Quốc phòng biết để quản lý vùng trời theo quy định.