Chiều 28-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Mức tăng tuổi nghỉ hưu với sĩ quan quân đội đã được tính toán phù hợp nhất
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho hay theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%. Nếu sĩ quan quân đội đóng BHXH quá số năm trên thì hưởng theo quy định chung.
Thông tin thêm về đề xuất nâng hạng tuổi nghỉ hưu với cấp úy tăng từ 46 lên 50 tuổi, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết nếu tính từ khi nhập ngũ 18 tuổi đến khi nghỉ hưu 50 tuổi, những người này có 32 năm công tác trong quân ngũ. Nếu nghỉ hưu, họ sẽ nhận mức lương hưu thấp hơn quy định 2%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, sĩ quan nghỉ hưu mang hàm cấp úy hầu như không có, trừ trường hợp "vạn bất khả dĩ". Thường sau khi nhập ngũ công tác từ 10-13 năm, họ sẽ được nâng hàm đại úy, còn nhập ngũ đến 32 năm mà chưa lên đến hàm đại úy thì buộc phải có chính sách khác.
Về đề xuất nâng hạng tuổi nghỉ hưu với cấp thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi, Bộ trưởng cho biết với cách tính như trên, những người này có 34 năm công tác trong quân ngũ, nghỉ 1 năm chờ công tác thì đủ 35 năm đóng BHXH. Đại đội trưởng, chính trị viên đại đội là hàm thiếu tá.
Phát biểu tại tổ, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) nhấn mạnh việc tăng tuổi của sĩ quan cấp úy, cấp tá nhằm tiệm cận với quy định tại Bộ luật Lao động nhưng vẫn tính tới yếu tố quân đội là ngành lao động đặc biệt, đặc thù.
Vì vậy việc tăng này, theo ông, nhằm thu hút nhân tài và giảm áp lực đào tạo, tích lũy thời gian, kinh nghiệm công tác của sĩ quan, nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định.
Theo Đại tướng Nguyễn Tân Cương, do đặc thù, quân đội phát triển theo hình tháp. Dưới cùng là cấp trung đội, việc tăng tuổi lên sẽ dẫn đến hiện tượng “phình” ở giữa.
"Nếu tăng quá tuổi lên nữa sẽ làm tắc nghẽn. Tức là ở giữa phình to thì người ở dưới không phát triển lên được. Đây là một hiện tượng rất nguy hiểm nên cơ quan soạn thảo phải hết sức tránh"- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói và cho hay Bộ này đã đưa máy móc, công nghệ để tính toán, phân tích dữ liệu làm sao đưa ra độ tuổi tăng lên phù hợp nhất mà không làm tắc nghẽn, ảnh hưởng đến cơ cấu quân đội.
Cạnh đó, theo Đại tướng Nguyễn Tân Cương, do đặc thù sức khỏe, như cán bộ tiểu đoàn, đi theo bộ đội từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, cùng bộ đội sinh hoạt thì phải đủ sức khỏe. "Giờ 50 tuổi mà hành quân theo bộ đội một ngày 30 km thì không chịu được"- theo ông Cương.
Giữ nguyên mức 60 tuổi với sĩ quan cấp tướng là nam, "tránh để dồn về sau"
Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cũng khẳng định việc nâng tuổi phục vụ (tuổi nghỉ hưu) của sĩ quan quân đội tại dự thảo luật lần này nhằm đồng bộ với Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công an nhân dân.
Cũng theo ông Hùng, độ tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội đã nhiều lần tăng qua các lần điều chỉnh Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, tuy nhiên chỉ tiệm cận chứ chưa bao giờ bằng với quy định tại Bộ luật Lao động.
"Quân đội là ngành lao động đặc biệt, phải hoạt động trong môi trường, điều kiện khó khăn, cường độ lao động rất lớn. Nếu quy định tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội bằng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động thì không đáp ứng được sức khỏe, trí tuệ để chỉ huy, lãnh đạo, chỉ đạo"- ông Hùng nói.
Riêng với cấp tướng, ĐBQH đoàn Thanh Hóa cho hay Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ thống nhất giữ nguyên mức 60 tuổi với sĩ quan cấp tướng là nam, "tránh để dồn về sau".
"Tôi nói vui là để cho anh em cấp dưới còn cơ hội. Như chúng tôi là cấp tướng nhưng rất thoải mái với việc này. Hơn nữa, đến cấp tướng thì báo cáo đại biểu, cơ bản anh em đều trên 40 năm công tác, phục vụ cũng tương đối dài rồi"- ông Hùng chia sẻ.
Riêng độ tuổi nữ sĩ quan cấp tướng, dự thảo luật đề xuất tăng từ 55 lên 60 tuổi, bằng độ tuổi của sĩ quan nam. Ông Hùng cho biết sở dĩ Chính phủ đề nghị như vậy vì tỉ lệ nữ trong quân đội hiện nay ít, sĩ quan nữ chỉ chiếm khoảng 3%.
"Hiện nay, mới có một thiếu tướng là nữ"- ông Hùng nói và cho biết đại tá là nữ cũng rất ít, số này không phải trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu mà chủ yếu ở các học viện, nhà trường, làm công tác nghiên cứu khoa học, y học…
Trong phiên thảo luận chiều nay, một số đại biểu đề xuất giao Bộ Quốc phòng làm nhà ở cho quân đội. Đại tướng Phan Văn Giang bày tỏ cảm ơn đề xuất này và khẳng định "quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất".
Ông chia sẻ trước đây có quy định địa phương phải giải quyết vấn đề đất đai, nhà ở cho bộ đội tuy nhiên không nêu chi tiết, cụ thể.
Bộ trưởng nhấn mạnh "đất quốc phòng không phải chỗ nào cũng trả được" nhưng chỗ nào là quỹ đất quốc phòng không còn sử dụng cho mục đích quốc phòng mà giao cho địa phương để quy hoạch thành khu dân cư thì “đề nghị ưu tiên cho quân đội".