Sau nhiều lần thảo luận, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thống nhất sẽ tổ chức phiên tranh luận tổng thống đầu tiên vào ngày 10-9, như đội ngũ của ông Trump và đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp xếp trước đó. Đài ABC News là cơ quan truyền thông tổ chức phiên tranh luận này.
Phiên tranh luận sẽ diễn ra vào 9 giờ tối 10-9 (giờ địa phương) tại Hội trường Independence Hall, ở TP Philadelphia (bang Pennsylvania) và kéo dài trong 90 phút. Không có khán giả dự phiên tranh luận này.
Bà Harris tập tranh luận, tìm phương án chọc tức đối thủ
Bà Harris - ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ - hiện đang ở trong một khách sạn ở trung tâm TP Pittsburgh (bang Pennsylvania), nơi bà có thể tập trung vào việc mài giũa những câu trả lời thật bén trước buổi đối mặt trực tiếp với ông Trump sắp tới, theo đài NBC News.
Bà Harris và nhóm tranh cử của nữ phó tổng thống đã nghiên cứu kỹ lưỡng cả 6 phiên tranh luận mà ông Trump từng tham gia, gồm 3 cuộc với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton năm 2016, 2 cuộc với ông Biden năm 2020 và 1 cuộc với ông Biden vào tháng 6 năm nay. Bà Harris cũng đã thảo luận sâu với bà Clinton và ông Biden về các phiên tranh luận với vọng sẽ có được kinh nghiệm tranh luận từ các nhân vật này.
Bà Harris cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đối thủ Donald Trump đưa ra những lời lăng mạ và xuyên tạc sự thật nhằm tấn công cá nhân bà. “Chúng ta nên chuẩn bị cho sự thật rằng ông Trump không bị áp lực về việc phải nói sự thật. Ông ấy có xu hướng đấu tranh cho chính bản thân chứ không phải cho người dân Mỹ và tôi nghĩ điều đó sẽ lộ ra trong quá trình tranh luận” - bà Harris nói trong chương trình Rickey Smiley Morning Show.
Trong quá trình chuẩn bị cho phiên tranh luận, bà Harris để cố vấn đảng Dân chủ Philippe Reines (một trợ lý lâu năm của bà Clinton) đóng vai ông Trump. Một nguồn thạo tin nói với đài NBC News rằng để giành thế thượng phong, bà Harris và đội ngũ tranh cử của nữ phó tổng thống tập trung vào việc tìm cách chọc tức ông Trump để khiến đối thủ mất bình tĩnh.
Theo đó, nguồn tin cho biết phần tranh luận sẽ ít nội dung hơn mà tập trung nhiều hơn vào việc thể hiện bà Harris là một phụ nữ không sợ hãi, không khuất phục, và sẽ là người đứng lên chống lại ông Trump. Theo nguồn tin, bà Harris cũng có ý định sẽ nhắc cử tri "nhớ lại quãng thời gian khi ông Trump đương nhiệm".
Nhìn chung, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tập trung vào tìm phương án kích động đối thủ, trong khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ phương thức chuẩn bị cũ như hồi đối đầu đương kim Tổng thống Joe Biden.
Ông Trump giữ phương thức chuẩn bị cũ
Bà Karoline Leavitt - Thư ký báo chí của ông Trump - cho biết cựu tổng thống không cần phải chuẩn bị tranh luận theo cách truyền thống, chẳng hạn như tham gia mô phỏng tranh luận (có người đóng giả bà Harris).
“[Cựu] Tổng thống Trump đã chứng tỏ là một trong những nhà tranh luận giỏi nhất trong lịch sử chính trị, bằng chứng là ông ấy đã giành ưu thế trước ông Biden. Ông Trump không cần chuẩn bị tranh luận theo cách truyền thống vì không giống như bà Harris, cựu tổng thống nắm rõ các vấn đề, trả lời phỏng vấn từ giới truyền thông đối lập hầu như mỗi ngày” - bà Leavitt cho hay.
Theo đài CNN, ông Trump cho rằng ông không cần tổ chức các phiên tranh luận mô phỏng, thay vào đó, ông quyết định họp với các cố vấn cấp cao, chuyên gia chính sách và các đồng minh để sẵn sàng cho ngày tranh luận 10-9. Các phiên họp chủ yếu tập trung vào việc giúp ông Trump mài giũa thông điệp về một loạt vấn đề, từ kinh tế đến nhập cư và nền dân chủ Mỹ nói chung. Nhóm hỗ trợ ông Trump gồm các cố vấn cấp cao Jason Miller, Vince Haley và Stephen Miller, cũng như cựu Hạ nghị sĩ Dân chủ Tulsi Gabbard.
Đội ngũ tranh cử của ông Trump cũng lên lịch một loạt sự kiện trong những ngày trước phiên tranh luận, chẳng hạn như bài phát biểu về chính sách vào tuần trước tại Câu lạc bộ Kinh tế New York và buổi trao đổi giữa cựu tổng thống với đài Fox News. Mục đích của các sự kiện này là nhằm giúp ông Trump đưa thông điệp của mình đến gần người dân hơn.
Những người thân cận với ông Trump cho rằng một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc đối đầu sắp tới giữa ông Trump và bà Harris là đảm bảo cựu tổng thống không quá công kích bà và có giọng điệu phù hợp. Nhóm hỗ trợ ông Trump cũng khuyến nghị cựu tổng thống nên tập trung câu trả lời vào các vấn đề chính sách cốt lõi mà ông được đánh giá cao hơn bà Harris, chẳng hạn như kinh tế, nhập cư và tội phạm.
“Phần quan trọng nhất là tìm ra điểm xoay trục, tìm cách công kích đối thủ và làm chệch hướng đòn công kích từ bà Harris. Vấn đề không phải nằm ở chỗ là bà Harris có ngắt lời ông ấy hay không hay bà ấy sẽ hành động như thế nào, mà là ông ấy phải tập trung vào các chính sách có ưu thế hơn. Đó là trọng tâm” - một cố vấn cấp cao của Trump nói với CNN.
Tranh luận Trump-Harris có giống Trump-Biden?
Cựu Tổng thống Trump đang đối mặt sự khác biệt rất lớn khi chuẩn bị bước lên sân khấu tranh luận với bà Harris ngày 10-9 tới.
Khác với Tổng thống Biden, Phó Tổng thống Harris tạo ra một sân đấu ngôn từ có vẻ nhiều thách thức hơn cho ông Trump. Theo tờ The Hill, bà Harris là một ứng cử viên trẻ hơn, năng nổ hơn, ít gặp khó khăn hơn trong khi hùng biện và có thể đẩy cựu tổng thống vào những tình huống cực kỳ “nguy hiểm".
Bà Harris mới là ứng cử viên đại diện Dân chủ được hơn một tháng nhưng đã thay đổi cục diện cuộc đua tổng thống Mỹ với những con số gây quỹ đáng kinh ngạc và khiến tỉ lệ ủng hộ hai bên chênh nhau cực kỳ gay cấn. Sự thay đổi này là một điểm nhức nhối đối với ông Trump và các đảng viên Cộng hòa khi họ phải vật lộn để phản ứng phù hợp.
Theo đài ABC News, quy tắc phiên tranh luận ngày 10-9 tới cơ bản sẽ giống với quy tắc tranh luận giữa ông Trump và ông Biden hồi tháng 6. Trong đó, micro sẽ chỉ được bật cho ứng viên khi đến lượt phát biểu và sẽ tắt khi đến lượt ứng viên khác. Chỉ có người điều phối mới được phép đặt câu hỏi.
Đây được đánh giá là một điểm có lợi cho ông Trump, vì giúp ông Trump hạn chế ngắt lời đối thủ - hành động vốn đã khiến hình ảnh ông xấu đi trong mắt cử tri khi ông liên tục cắt lời ông Biden hồi tranh luận bầu cử năm 2020.
Trong khi đó, việc tắt tiếng micro khi chưa tới lượt lại có thể gây tổn hại đến khả năng của bà Harris (một cựu công tố viên nổi tiếng với những câu hỏi hóc búa trong các phiên điều trần tại Thượng viện) trong việc cố gắng “thẩm vấn” ông Trump trên sân khấu, cũng như cố kích động ông Trump đưa ra những phát ngôn mất kiểm soát.
Trong một lá thư gửi ABC News, nhóm vận động tranh cử của bà Harris nói rằng phó tổng thống sẽ bất lợi vì quy định tắt micro, nhấn mạnh rằng quy tắc này “vốn sẽ giúp bảo vệ ông Trump khỏi các cuộc vấn đáp trực tiếp với phó tổng thống”.