Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa 'tối thượng' Hwasong-19 có thể vươn tới Mỹ, HĐBA chuẩn bị họp khẩn

(PLO)- Bình Nhưỡng tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-19, lập kỷ lục về độ cao lớn nhất và thời gian bay dài nhất mà một tên lửa của Triều Tiên từng đạt được.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-11, Triều Tiên thông báo đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới có tên “Hwasong-19” vào ngày trước đó dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Kim Jong-un, theo hãng thông tấn KCNA.

Theo KCNA, tên lửa được phóng từ một vị trí gần thủ đô Bình Nhưỡng trước sự chứng kiến của ông Kim, đạt độ cao lên tới 7.687,5 km, bay khoảng 1.001,2 km trong thời gian 5.156 giây (gần 86 phút) trước khi rơi xuống khu vực được chỉ định.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM.jpg
Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-19 hôm 31-10. Ảnh: KCNA

ICBM Hwasong-19 của Triều Tiên và những kỷ lục

Triều Tiên mô tả ICBM mới nhất là "phương tiện tấn công cực mạnh" và là phiên bản "tối thượng" của loạt tên lửa tầm xa.

Bình Nhưỡng cũng tuyên bố vụ thử tên lửa đã thiết lập một “kỷ lục mới về năng lực tên lửa chiến lược” và thể hiện “tính hiện đại và độ tin cậy trong khả năng răn đe chiến lược” của nước này.

Ông Kim tuyên bố “vụ thử tên lửa là hành động quân sự phù hợp, hoàn toàn đáp ứng mục đích thông báo về ý chí đáp trả của [Triều Tiên] tới các kẻ thù” – những người mà ông cáo buộc “cố tình leo thang tình hình khu vực và gây ra mối đe dọa đến an ninh” của Bình Nhưỡng.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng ICBM mới mà Triều Tiên phóng hôm 31-10 đạt kỷ lục về thời gian bay dài nhất và độ cao lớn nhất mà một tên lửa Triều Tiên từng đạt được, theo đài NHK.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshimasa Hayashi lưu ý rằng nếu phóng theo chiều ngang, tên lửa có thể đạt được tầm bắn xa hơn nhiều.

“Dựa trên thông tin [Nhật] có được về khoảng cách bay và độ cao của ICBM do Triều Tiên phóng, tùy thuộc vào trọng lượng của đầu đạn, tầm bắn được cho là có thể vượt quá 15.000 km” - ông Hayashi nói.

Điều này có nghĩa tên lửa “Hwasong-19” của Triều Tiên có thể vươn tới lục địa Bắc Mỹ.

phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa 'Hwasong-19'
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đích thân chỉ đạo vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-19 hôm 31-10. Ảnh: KCNA

Phản ứng của quốc tế

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres lên án vụ thử tên lửa, gọi đây là “sự vi phạm rõ ràng” các nghị quyết của LHQ trừng phạt Triều Tiên liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Theo đề xuất của Mỹ, Pháp, Nhật, Malta, Hàn Quốc, Slovenia và Anh, một cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ được tổ chức vào 4-11, theo hãng tin Reuters.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với người đồng cấp Nhật và Hàn Quốc. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ba ngoại trưởng đã lên án vụ thử tên lửa của Triều Tiên, gọi đây là hành vi “vi phạm trắng trợn” các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

Ba nước này “mạnh mẽ kêu gọi [Triều Tiên] ngay lập tức chấm dứt hàng loạt hành động khiêu khích và gây bất ổn, đe dọa đến hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và nhiều nơi khác”.

Theo hãng thông tấn Yonhap, Mỹ-Nhật-Hàn sẽ tổ chức các cuộc tập trận để đáp trả vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án mạnh vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Đức gọi vụ thử ngày 31-10 là “bất hợp pháp” và kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế để không tiếp tục leo thang căng thẳng.

Khi được hỏi về vụ thử tên lửa của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm trả lời rằng Bắc Kinh “luôn tin rằng hòa bình, ổn định và thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề bán đảo [Triều Tiên] phù hợp với lợi ích chung của tất cả các bên”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm