Ngày 28-10, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói Mỹ “tin rằng Triều Tiên đã gửi tổng cộng khoảng 10.000 quân đến huấn luyện ở miền đông nước Nga, có thể sẽ tăng cường lực lượng của Nga gần Ukraine trong vài tuần tới”, theo hãng tin AFP.
“Một phần trong số những binh lính đó đã tiến gần hơn đến Ukraine và chúng tôi ngày càng lo ngại rằng Nga có ý định sử dụng những người lính này trong chiến đấu hoặc hỗ trợ chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine tại tỉnh Kursk của Nga” - bà Singh nói về thông tin Triều Tiên đưa quân sang Nga.
Đến hiện tại, có vẻ như Lầu Năm Góc chưa xác định binh lính Triều Tiên tại Nga là một bên tham chiến. Theo bà Singh, nếu Mỹ "thấy lực lượng Triều Tiên tiến vào tiền tuyến, họ là những bên tham chiến”, đài ABC News đưa tin.
Lầu Năm Góc lần đầu tiên nói về sự hiện diện của binh lính Triều Tiên tại Nga vào ngày 23-10. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng nước này đã ghi nhận bằng chứng cho thấy Triều Tiên gửi 3.000 quân đến Nga để có thể triển khai ở Ukraine.
Trong cùng ngày 28-10, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte lên án khả năng triển khai quân Triều Tiên tới tăng cường cho Nga trong chiến sự với Ukraine, gọi đó sẽ là “sự mở rộng nguy hiểm” của cuộc xung đột.
Moscow và Bình Nhưỡng chưa bao giờ xác nhận khả năng có binh lính Triều Tiên tại Nga. Tuy nhiên, hôm 25-10, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Jong-gyu cho rằng một động thái như vậy không trái với luật pháp quốc tế, theo hãng thông tấn KCNA.
Hồi tháng 6, Nga và Triều Tiên đã ký kết hiệp ước chiến lược toàn diện, trong đó có các điều khoản an ninh ở mức độ tương tự liên minh quân sự. Nga đã phê chuẩn hiệp ước hôm 24-10.