Việc Pháp quyết định cung cấp cho Ukraine tiêm kích Mirage 2000 thể hiện sự thay đổi đáng kể trong hoạt động viện trợ quân sự của châu Âu dành cho Kiev, theo trang Bulgarian Military.
Số lượng chính xác tiêm kích Mirage 2000 và mốc thời gian bàn giao cụ thể vẫn được giữ kín, một phần vì lý do an ninh. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự tin rằng lô đầu tiên sẽ gồm khoảng một chục máy bay, với nhiều khả năng sẽ tiếp tục bàn giao dựa trên năng lực tích hợp và duy trì phi đội của Ukraine.
Đây được xem là động thái nhấn mạnh cam kết ngày càng tăng của châu Âu về việc tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết.
Những khó khăn khi Ukraine vận hành Mirage 2000
Tính bền vững là một mối lo ngại khá lớn đối với Ukraine khi Kiev tích hợp tiêm kích Mirage 2000 vào lực lượng không quân nước này. Công tác hậu cần để duy trì một đội máy bay nước ngoài rất phức tạp, đặc biệt trong điều kiện thời chiến.
Ukraine đã vận hành hỗn hợp các máy bay thời Liên Xô như MiG-29 và Su-27, và việc bổ sung Mirage 2000 sẽ đòi hỏi cơ sở hạ tầng, đào tạo và chuỗi cung ứng mới. Phụ tùng thay thế và nhân sự có trình độ là rất quan trọng để duy trì hoạt động của máy bay, và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể khiến một phần đáng kể đội bay phải ngừng hoạt động.
Chưa hết, chu kỳ chuyển tiếp để phi công và nhân viên mặt đất của Ukraine trở nên thành thạo với máy bay Mirage 2000 có thể mất vài tháng, trong khi Kiev có nhu cầu cấp thiết.
Theo ông John Venable - chuyên gia chính sách quốc phòng tại Quỹ Heritage Foundation (Mỹ), ngay cả khi Ukraine đưa những máy bay này vào hoạt động nhanh chóng, vẫn có nguy cơ thực sự là các vấn đề bảo dưỡng và vận hành có thể cản trở hiệu quả của chúng trong dài hạn, đặc biệt là nếu chiến sự kéo dài.
Về khả năng không đối đất, máy bay Mirage 2000 được trang bị để mang theo nhiều loại đạn dược, bao gồm bom dẫn đường bằng laser, tên lửa không đối đất và tên lửa chống bức xạ. Những vũ khí này có thể hữu ích khi nhắm vào các vị trí trên mặt đất và các trạm radar của Nga.
Tuy nhiên, hoạt động trong các khu vực được hệ thống phòng không S-400 của Nga bảo vệ đòi hỏi phải gây nhiễu và ngăn chặn các nỗ lực phòng không của đối phương một cách tinh vi – điều Ukraine có thể không đáp ứng ở quy mô lớn. Các radar của S-400 được thiết kế để chống lại các nỗ lực gây nhiễu, làm phức tạp thêm nhiệm vụ cho các phi công Ukraine.
Vẫn có giá trị lớn
Bất chấp những thách thức trên, một số người cho rằng Mirage 2000 vẫn có thể là một vũ khí có giá trị đối với lực lượng không quân Ukraine.
Một cựu phi công lái Mirage 2000, giấu tên cho hay: “Điểm mạnh của Mirage 2000 nằm ở sự đơn giản, độ tin cậy và khả năng điều khiển thân thiện với phi công. Trong tay của những phi công lành nghề, máy bay có thể tự mình đối đầu trong nhiều tình huống chiến đấu, đặc biệt là nếu chúng có thể tối đa hóa điểm mạnh về tốc độ và tốc độ lên cao để vượt qua các máy bay nặng hơn của Nga".
Điểm mạnh của máy bay Pháp, như tỉ số giữa lực đẩy và trọng lượng máy bay cao và thiết kế cánh tam giác, khiến nó cực kỳ linh hoạt trong không chiến. Khả năng leo cao nhanh chóng và tham gia các chiến thuật đánh và chạy (hit-and-run) có thể là một lợi thế có giá trị trong một số tình huống nhất định, đặc biệt nếu được sử dụng kết hợp tình báo và hỗ trợ nhắm mục tiêu.
Ngoài ra, chi phí hoạt động tương đối thấp so với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như F-35 giúp Ukraine có đủ khả năng duy trì chúng bay ổn định hơn.
Cuối cùng, dù Mirage 2000 là một máy bay đáng gờm, song hiệu quả của nó trước các hệ thống hiện đại hơn như Su-35 và S-400 của Nga vẫn còn là dấu chấm hỏi nếu không có sự hỗ trợ đáng kể từ bên ngoài.
Mirage 2000 có thể sẽ đóng vai trò bổ sung, lấp vào chỗ trống mà các tài sản không quân hiện có của Ukraine không thể lấp được nhưng không dẫn đầu cuộc tấn công chống lại các hệ thống phòng thủ tinh vi nhất của Nga.
Tóm lại, quyết định của Pháp về cung cấp máy bay chiến đấu Mirage 2000 cho Ukraine là một động thái có ý nghĩa chính trị, nhưng những thách thức về mặt hoạt động là rất lớn. Mirage 2000 đối mặt những bất lợi đáng kể khi so sánh với Su-35 của Nga trên không và S-400 trên mặt đất.
Mặc dù máy bay Mirage 2000 sẽ cung cấp một số cải tiến về khả năng, nhưng chúng khó có thể thay đổi cán cân quyền lực trừ phi được tích hợp vào một chiến lược lớn hơn, bao gồm tình báo phương Tây, chiến thuật tiên tiến và các hệ thống áp chế phòng không tinh vi hơn.
Việc Ukraine có thể duy trì những máy bay này trong thời gian dài hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quản lý hậu cần và đào tạo của nước này trong bối cảnh xung đột với Nga chưa có điểm dừng.