Tại Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 sáng 20-5, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2023, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng tình hình kinh tế - xã hội năm này còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Ngân hàng lãi lớn, doanh nghiệp khóc ròng
Đáng chú ý, Uỷ ban Kinh tế đánh giá công tác điều hành tăng trưởng tín dụng còn bất cập. Theo đó tăng trưởng tín dụng đạt thấp hơn mục tiêu đề ra, tiếp cận tín dụng khó khăn.
Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có đánh giá, phân tích về nguyên nhân, mức độ tác động của tăng trưởng tín dụng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi lớn năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn.
Báo cáo dẫn chứng lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Vietcombank hơn 33.050 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2022; BIDV hơn 22.000 tỉ đồng, tăng 20%; MB hơn 21.050 tỉ đồng, tăng 16%; Vietinbank 20.044 tỉ đồng, tăng 18%...
Trước đó, ngày 18-5, Văn phòng Chính phủ đã phát đi văn bản số 231/2024 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại lớn ngoài nhà nước để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm thêm 1- 2%/năm lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội...
Lãnh đạo một doanh nghiệp thuỷ sản cho biết: Trong năm ngoái, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rơi vào tình trạng thua lỗ. Giờ đây, thị trường mới chỉ phục hồi một chút thôi, mà giá thức ăn liên tục tăng, nhưng doanh nghiệp lại phải hạ giá thành để cạnh tranh, giữ thị trường cũng như giải quyết hàng tồn kho.
"Khó khăn như vậy nhưng lãi suất cho vay ưu đãi chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ thì luôn phải gánh chịu lãi suất cao, từ 8-9%/năm, thậm chí còn bị ngân hàng yêu cầu phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo nếu muốn giữ nguyên hạn mức vay như cũ. Đây là một đòi hỏi vô cùng khó đối với các doanh nghiệp nhỏ trong hoàn cảnh như hiện nay”.
Không thể “đẹp” như trong các báo cáo tài chính?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế phân tích: Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ lệ nợ xấu đã lên tới 4,55%, tăng hơn gấp đôi so với tỉ lệ nợ xấu ở mức 2,03% vào cuối năm 2022. Trong nửa đầu năm nay, nhiều khả năng, tỉ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể vẫn tiếp tục đi lên do tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn yếu và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Hơn nữa, với Thông tư 02/2022 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đang được Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn thêm 6 tháng nữa. Điều đó có nghĩa những khoản vay đã là nợ xấu và cần chuyển nhóm nợ, nhưng nhờ Thông tư này mà nó tiếp tục được giữ nguyên nhóm nợ. Các quy định này một mặt giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng nhưng mặt khác nó cũng khiến tỉ lệ nợ xấu và lợi nhuận của mỗi ngân hàng chưa được phản ánh đúng thực chất.
"Trong khi đó, vẫn còn hàng ngàn doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ thì lợi nhuận của các ngân hàng nếu được tính đúng, tính đủ chắc sẽ không thể “đẹp” như trong các báo cáo tài chính mà họ công bố. Một khi nợ xấu được bị “phát lộ” một cách đầy đủ và thực chất, các khoản chi phí dự phòng sẽ ăn mòn lợi nhuận của các nhà băng", ông Thịnh nói.
Trong bối cảnh như hiện nay, vị chuyên gia này cho rằng, nếu các ngân hàng thương mại vẫn duy trì mức lãi suất cho vay thấp như hiện tại cũng đã rất đáng mừng rồi, chứ đừng kỳ vọng về việc lãi suất sẽ giảm thêm trong thời gian tới. Thực tế là khi lãi suất huy động chạm đáy thì thời gian gần đây hàng loạt ngân hàng đã rục rịch điều chỉnh tăng lãi suất huy động trở lại.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế thì cho rằng: Cần phải để hoạt động tín dụng của hệ thống các ngân hàng thương mại vận động theo quy luật của thị trường. Bởi ngân hàng thực chất chỉ là trung gian tài chính, tức là họ huy động của tổ chức và cá nhân rồi cho vay. Cho nên nếu ngân hàng huy động xong mà không cho vay được thì ngân hàng “chết” trước, ngay cả khi nó cho vay rồi mà người vay không có khả năng trả nợ thì ngân hàng cũng là bên gánh hậu quả đầu tiên. Thay vì can thiệp bằng các mệnh lệnh hành chính, thì Nhà nước nên can thiệp bằng các công cụ tài chính, công cụ kinh tế.