Bức tranh lợi nhuận ngân hàng với những gam màu tối, sáng

(PLO)- Trong tháng 7, nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, hầu hết cho thấy áp lực nợ xấu gia tăng và bức tranh lợi nhuận tăng giảm trái chiều. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Số liệu từ NHNN cho thấy, kết thúc 6 tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 4,73%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 9,35% cùng kỳ năm ngoái

Cầu tín dụng của doanh nghiệp và cá nhân đều sụt giảm trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm và lãi suất cho vay chưa giảm như kỳ vọng.

Dù vậy, vẫn có ngân hàng thương mại công bố lãi khủng và ngược lại, có nhà băng ghi nhận mức lợi nhuận giảm chóng mặt.

Bức tranh lợi nhuận không đồng đều

Trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, lãnh đạo ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết đã hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đạt 10.000 tỉ đồng.

Động lực lớn giúp lợi nhuận của ACB tăng trưởng đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 28% so với cùng kỳ.

Tỉ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu liên tục tăng từ 19% lên 22%, giảm áp lực lên mảng thu nhập từ lãi.

Trong đó, dịch vụ thẻ, mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập trong 6 tháng đầu năm.

Tương tự, tại Nam A Bank, nguồn vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế tăng trưởng tốt đạt gần 152.000 tỉ đồng (tăng hơn 16% so với đầu năm, hoàn thành 98% kế hoạch năm 2023).

Dư nợ cho vay tăng trưởng mạnh, đạt hơn 129.300 tỉ đồng (tăng 8,1% so với đầu năm, nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng mạnh mẽ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 241,6 tỉ đồng, tăng 185% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những bước tăng trưởng kể trên đã góp phần quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đạt 1.524,8 tỉ đồng 6 tháng đầu năm 2023 (tăng gần 30,21% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 46% so với kế hoạch năm 2023).

Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng chậm lại

Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng chậm lại

Tại Sacombank, tính đến ngày 30-6, lợi nhuận trước thuế đạt 4.755 tỉ đồng, tăng 63,5% so cùng kỳ, đạt 50,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.

Ở chiều ngược lại, có ngân hàng lại bộc lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với những con số không mấy khả quan.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 mà ngân hàng An Bình vừa công bố, lợi nhuận trước thuế giảm tới gần 93,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 67 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ABBank đạt gần 679 tỉ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 24% so với kế hoạch lợi nhuận cả năm (2.826 tỉ đồng).

Tương tự, ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với lợi nhuận trước thuế tương đương quý I, đạt 5.649 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm chỉ đạt gần 11.300 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước (14.106 tỉ đồng).

Hay như trong báo cáo tài chính mà LPBank vừa công bố ghi nhận lợi nhuận quý II/2023 chỉ đạt 880 tỉ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng đạt 2.446 tỉ đồng, giảm 32%.

Nợ xấu bắt đầu tăng

Mặt bằng lãi suất tăng cao từ cuối năm 2022 gây áp lực lên khả năng trả nợ của khách hàng đã góp phần làm tỉ lệ nợ xấu ở các ngân hàng tăng cao.

Cộng thêm việc từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất điều hành 4 lần. Cả hệ thống ngân hàng đều phải đối mặt với áp lực nợ xấu và suy giảm NIM (tỉ lệ thu nhập lãi thuần).

Nợ xấu tại Nam A Bank không nằm ngoài xu thế chung của ngành, hiện đang tăng nhẹ mức 2,7% do tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi ảnh hưởng đến năng lực tài chính của khách hàng.

Tương tự, nợ xấu của ACB cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình chung thị trường khi tăng lên 1,07%. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là một trong những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường.

Tại Techcombank, nợ xấu cũng có dấu hiệu tăng nhẹ, chủ yếu đến từ nhóm khách hàng bán lẻ do tăng trưởng dư nợ cho vay tín chấp, kinh tế tăng trưởng chậm khiến áp lực trả nợ tăng cao và mảng cho vay mua nhà kém tích cực...

Còn tại ngân hàng An Bình, số dư nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) tính đến hết quý II năm nay đã tăng 61,5% so với cuối năm trước lên 3.820 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,88% cuối năm 2022 lên 4,55%.

Đối với Sacombank, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh với số thu gần 2.700 tỉ đồng nợ gốc và lãi tồn đọng, nâng tổng mức thu hồi xử lý lũy kế từ khi triển khai đề án lên gần 90.000 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 2% và các tỉ lệ an toàn hoạt động luôn được kiểm soát chặt chẽ dưới mục tiêu điều hành.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc tỉ lệ nợ xấu gia tăng là thực trạng chung của toàn ngành ngân hàng. Do đó, chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, đơn cử như Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Lãnh đạo NHNN cho biết, thực tế, từ cuối năm 2022, tỉ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, song đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%. Nhiều ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm