Ngân hàng đứng trước áp lực nợ xấu tăng

(PLO)- Khi Thông tư 14/2021 không còn hiệu lực, các khoản nợ xấu sẽ lộ rõ và các ngân hàng sẽ phải chuyển dần nợ xấu sang VAMC hay xử lý nợ theo Nghị quyết 42.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tư 14/2021 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã hết hiệu lực từ 30-6. Điều này làm dấy lên nỗi lo về nợ xấu trong những tháng tới có thể sẽ tăng lên.

Cụ thể, tỉ lệ nợ xấu trung bình từ mức 1,39% vào cuối năm ngoái đã tăng lên 1,5% vào cuối quý I/2022. Trong đó, tỉ lệ nợ xấu nhóm 5 tăng nhẹ lên mức 0,58% so với mức 0,51% cuối năm ngoái.

Theo NHNN, tỉ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên tới 7,3% nếu tính cả các khoản cho vay tái cơ cấu và nợ xấu bán cho VAMC, tương đương mức nợ xấu giai đoạn 2016-2017.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, khi Thông tư 14/2021 không còn hiệu lực, các khoản nợ xấu sẽ lộ rõ và các ngân hàng sẽ phải chuyển dần nợ xấu sang VAMC hay xử lý nợ theo Nghị quyết 42.

Tuy nhiên, trong báo cáo ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm nay, các chuyên gia kinh tế của Công ty chứng khoán VnDirect cho rằng hiện chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện mạnh mẽ so với giai đoạn 2016-2017.

Các ngân hàng đã trích lập dự phòng để tránh khả năng nợ xấu tăng cao, đồng thời tỉ lệ bao phủ nợ xấu đã đạt mức cao nhất lịch sử tại hầu hết các ngân hàng vào cuối năm 2021.

Mặt khác, các ngân hàng cũng đã thực hiện trích lập tương đối đầy đủ dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu thay vì mức 30% như quy định.

Theo quan điểm của VnDirect, nhờ vào chất lượng tài sản vững chắc và bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, các ngân hàng sẽ có thể giảm thiểu được tối đa rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian sắp tới.

Ngành ngân hàng sẽ xử lý và kiểm soát tốt nợ xấu và tiếp tục phát triển trong giai đoạn siết chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương toàn thế giới khi lại có xu hướng thu hút dòng tiền gửi từ nền kinh tế.

Thêm vào đó, các ngân hàng đang nỗ lực tăng cường hệ số an toàn vốn (CAR), điều này được thể hiện qua sự cải thiện CAR trong quý I/2022.

Tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của ngân hàng trong năm 2022, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nhằm tăng cường hệ số CAR, tiến tới lộ trình áp dụng Base III.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm