Không thể kéo dài việc xử lý nợ xấu thêm 2 năm

(PLO)-  Chỉ nên kéo dài thời gian xử lý nợ xấu tối đa đến ngày 31-12-2023 (thay vì đến ngày 15-8-2024) nhằm khớp với chính sách tài khóa, tiền tệ…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14-4, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của QH về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42).

Đề xuất kéo dài Nghị quyêt 42 thêm hai năm

Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đánh giá qua năm năm triển khai, Nghị quyết 42 thực sự đã mang lại những hiệu quả rõ rệt cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp sáng 14-4. Ảnh: VGP

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp sáng 14-4. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, theo bà Hồng, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh đã dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, Nghị quyết 42 chỉ kéo dài năm năm và sẽ hết hiệu lực thi hành sau ngày 15-8-2022, đồng nghĩa toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo nghị quyết này sẽ chấm dứt. Từ đó, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không còn được ưu tiên áp dụng một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết 42.

Nếu theo diễn tiến trên sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC), cũng như quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý nợ xấu không được tiếp tục triển khai sẽ không khuyến khích, không huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng...

Thống đốc cho hay Chính phủ kiến nghị QH ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết 42. Việc này nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc xây dựng luật này cần tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định cũng như xây dựng dự thảo luật để đề xuất QH đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2023.

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, bà Hồng cho biết Chính phủ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 thêm hai năm (đến ngày 15-8-2024).

Thống đốc Ngân hành Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp sáng 14-4. Ảnh: VGP

Thống đốc Ngân hành Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp sáng 14-4. Ảnh: VGP

Lo ngại hệ lụy từ FLC, Tân Hoàng Minh

Phát biểu sau đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu việc hiện cơ quan chức năng đang phải xử lý một số tập đoàn do có vi phạm, đây đều là những tập đoàn rất lớn. Cử tri rất băn khoăn liệu việc xử lý đó có ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay không?

Đã xử lý được hơn 380.000 tỉ đồng nợ xấu

Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 15-8-2017 đến 31-12-2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 380.000 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, các khoản nợ đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 ngàn tỉ đồng (chiếm 21,7%).

Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo nghị quyết này toàn hệ thống đến cuối năm 2021 là 412,7 ngàn tỉ đồng, giảm hơn 17% so với giữa tháng 8-2017, thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Bà Thanh đề nghị NHNN rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh, làm tăng tỉ lệ nợ xấu, bất ổn chính trị, một số lượng lớn khách hàng có thể chuyển nhóm nợ...

“NHNN nên phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá và có những phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp (DN) gần đây, đặc biệt liên quan đến hai tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh” - bà Thanh nói thêm.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ cơ cấu nợ trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng... “Tín dụng bất động sản, chứng khoán núp bóng tín dụng tiêu dùng có không, là bao nhiêu? Nợ liên quan đến trái phiếu DN là bao nhiêu? Lãi dự thu là bao nhiêu?...” - Chủ tịch QH nói và cảnh báo lãi dự thu còn xấu hơn cả nợ xấu, bởi nợ xấu còn có tài sản đảm bảo, lãi dự thu là trên hợp đồng tín dụng, “bản thân gốc đã không thu được nói gì lãi”.

Đặc biệt, người đứng đầu QH lưu ý phát hành trái phiếu DN riêng năm 2021 lên đến hơn 700.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 44% ở lĩnh vực BĐS. “Trái phiếu DN cảnh báo nhiều lần rồi chứ không phải bây giờ mới cảnh báo. Các vấn đề về thị trường chứng khoán, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu DN chắc chắn tới đây sẽ rất nóng” - ông Huệ nói.

Không tán đồng xây dựng Luật Xử lý nợ xấu

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng nếu kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42, tối đa chỉ đến ngày 31-12-2023 (khớp với thời gian thực hiện Nghị quyết 43 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội). Ông cũng không tán đồng với đề xuất xây dựng Luật Xử lý nợ xấu. “Nghị quyết 42 chính là luật xử lý nợ xấu của Việt Nam vì khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, khác hoàn toàn với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các pháp luật khác” - ông Huệ nhấn mạnh và cho rằng cơ chế này không thể kéo dài mãi.

“Nếu kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 thêm hai năm thì có xử lý hết nợ xấu hay không, hay xử lý được tỉ lệ bao nhiêu?” - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề. Ông Định cũng đề nghị tối đa chỉ kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2023.

Giải trình thêm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói: “NHNN tha thiết mong kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 thêm hai năm trong thời gian chờ luật hóa các quy định xử lý nợ xấu”. Trong lời văn, bà Hồng bốn lần lặp lại cụm từ “tha thiết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm