Mới đây, VietinBank rao bán tài sản bảo đảm cần xử lý để thu hồi nợ. Trong đó, ngân hàng này rao bán 36 thửa đất với tổng diện tích là 44.771m2. Đáng chú ý, toàn bộ số thửa đất này là đất ao, hiện không có lối vào tại Vĩnh Cửu, Đồng Nai và không công bố mức giá đấu giá mà sẽ được thoả thuận riêng với khách hàng khi có nhu cầu mua.
Ngoài ra, Vietinbank cũng rao bán một loạt các loại máy móc thiết bị đã qua sử dụng như bể phân hủy khí Biogas; hệ thống xử lý nước thải, hệ thống trạm cân ôtô 100 tấn; hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất tinh bột mì công suất 200 tấn/24 giờ… Tổng giá khởi điểm lô tài sản là gần 71 tỉ đồng.
Đặc biệt, tài sản đảm bảo được nhà băng này đem rao bán còn có nhà và đất tại đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) với diện tích là 231,3m2.
Theo giới thiệu của ngân hàng Vietinbank, tài sản này là căn nhà cấp 4 này được chủ cũ đang quản lý sử dụng làm am thờ tại gia, có nhiều tượng phật, tượng thần thánh… Tài sản này đang được rao bán với giá khởi đểm là hơn 11,2 tỉ đồng.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, khi ngân hàng mang tài sản ra phát mãi thì người mua luôn mong muốn giá tài sản phải giảm xuống mức thấp. Thậm chí những đối tượng tham gia đấu giá còn cố tình dìm giá tài sản đấu giá để được mua với giá “hời”.
Như vậy sẽ khiến tài sản của khách hàng khi bị đem ra đấu giá thường bị bán với giá rẻ. Điều này không chỉ làm cho chủ sở hữu tài sản bị thiệt mà ngay cả ngân hàng còn không thu hồi hết nợ.
"Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, các ngân hàng thường dành một khoảng thời gian nhất định có thể là 3 tháng, 6 tháng để người vay (con nợ của ngân hàng) tự tìm cách rao bán tài sản. Với cách này, sau khi trả hết tiền lãi cho ngân hàng, họ vẫn còn dư được khoản tiền nữa. Bởi ngân hàng thường chỉ có vay với hạn mức từ 60-70% giá trị tài sản thôi", vị này nói.
Tương tự, nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cũng thừa nhận, nợ xấu đã có dấu hiệu tăng mạnh từ cuối năm 2022 và tiếp tục tăng trong nửa đầu năm nay.
Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong giai đoạn đầu năm 2023, mặc dù tỉ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro vẫn còn. Cộng thêm với cơ chế cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là đang đẩy rủi ro đẩy nợ xấu về tương lai.
Mới đây, trong một báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nợ xấu có xu hướng tăng, giá trị nợ xấu tăng 40,2% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 8,8%).