Ngày 24 – 11, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch thực hiện cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020.
Đồng thời quyết định phân công, ủy quyền cho UBND các quận huyện thực hiện cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm và di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch.
Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát, xác định chính xác số lượng các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, xuống cấp cần thực hiện cải tạo, xây dựng mới. Lập danh mục các chung cư nguy hiểm, bị hư hỏng nặng và các chung cư còn lại.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các quận huyện phân nhóm, lồng ghép các chung cư có lợi thế và không có lợi thế vào chung các gói đầu tư thực hiện cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ bị hư hỏng nặng, xuống cấp để mời gọi đầu tư.
Trong đó, UBND TP.HCM lưu ý, cần tránh tình trạng nhà đầu tư đổ dồn thực hiện tại các khu vực có khả năng sinh lợi cao và không đầu tư vào các khu vực kém hiệu quả khai thác.
Chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 là nơi Tập đoàn Novaland muốn cải tạo hết 11 lô
TP.HCM đang có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 với tổng số 565 lô chung cư, chiếm hơn 59ha với 26.362 căn hộ. Có 24 công ty bất động sản muốn tham gia cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM, nhất là các chung cư ở quận 1, 3.
Tại quận 1 có 98 lô chung cư cũ thì Tập đoàn C.T Group đã đăng ký tham gia cải tạo tới gần 90 lô. Cạnh tranh với tập đoàn này tại địa bàn quận 1 còn có các doanh nghiệp bất động sản khác như Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Gia Bảo và liên danh Vinaconex – Hoàng Sơn – Quân Anh.
Tại quận 3, có 35 trong tổng số 45 lô chung cư cũ được các nhà đầu tư quan tâm. Riêng Tập đoàn Novaland muốn cải tạo tất cả 11 lô của chung cư Nguyễn Thiện Thuật.
Ở Bình Thạnh, Cư xá Thanh Đa cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư. Trong đó, liên doanh NHO – VPG – TAG – NIBC – Bình Thạnh RESCO và Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex quan tâm đến tất cả lô nhà được đánh dấu bằng số của cư xá Thanh Đa.
Riêng tại lô số 4, ngoài hai doanh nghiệp trên, Công ty Cổ phần Năng lượng Thiên Ân cũng muốn tham gia đầu tư. Cụm 15 lô chung cư được đánh dấu bằng chữ của cư xá nhận được sự quan tâm của công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Quản Trung.
Chung cư cũ tại các quận còn lại như quận 5 (203 lô), quận 6 (32 lô), quận 11 (30 lô), Tân Bình (30 lô)… nhận được rất ít sự quan tâm của các nhà đầu tư. Thậm chí, có quận không có doanh nghiệp nào muốn vào đầu tư.
Từ nay đến năm 2020, TP.HCM đặt mục tiêu sẽ giải tỏa và xây mới 50% số chung cư này. Tuy nhiên, hiệu quả di dời và cải tạo chung cư cũ tại thành phố vẫn còn rất khiêm tốn.
Số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, từ năm 2006 đến nay TP.HCM mới tháo dỡ 32 chung cư cũ với diện tích sàn xây dựng tháo dỡ là 204.000 m2, di dời 4.000 hộ dân sinh sống trong các chung cư này. TP.HCM cũng xây mới nhiều chung cư tái định cư với tổng diện tích sàn xây mới là 482.000 m2.