Sau hành trình dài hơn 200 km, chúng tôi đã đến được xã Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát của tỉnh Thanh Hóa. Những tàn tích sau trận lũ dữ vào tháng 8 vừa qua vẫn đang hiển hiện ở nơi này: Những ngôi nhà sụp đổ, vết loang lổ trên mỗi dãy núi cao.
Tận tâm vận động học trò đến lớp
Ngôi trường THCS Trung Lý nằm chênh vênh bên sườn núi, quanh năm mây mù bao phủ là nơi có 409 học sinh (HS) các dân tộc thiểu số đang theo học tại đây. Khi chúng tôi đến, những HS nơi đây đang ra chơi giữa giờ. Tuy nhiên, thay vì được giải lao như HS nơi khác thì các em phụ giúp các cô giáo nấu ăn, nhặt rau để chuẩn bị cho bữa cơm chiều trước ngày khai giảng năm học mới.
Thầy Pó Ly cho biết hai năm gần đây, không ít gia đình có HS đang theo học tại trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi những trận lũ dữ càn quét qua những bản làng của người H’Mông. Mới đây nhất là bản Na Ón có 16 ngôi nhà bị sụp đổ, cuốn trôi, hư hỏng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của 37 HS của nhà trường. Vì vậy, ngay sau lũ, các thầy cô đã vào tận bản động viên các HS có nhà bị lũ cuốn trôi, hư hỏng sớm trở lại trong ngày tựu trường.
Thầy Đoàn Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Những khó khăn ở vùng lũ kể sao cho hết khi mà năm 2018 lũ đã cuốn trôi bốn phòng tạm trú của HS, trong khi nhà trường có 409 HS ăn ở tại trường”. Tuy nhiên, theo thầy Sơn: “Các em ở trường vẫn còn sướng hơn vì được ăn thịt, ăn cá trong khi hiện nay nhiều em vẫn đang còn phải ở nhà tạm, khó khăn trăm bề. Mỗi khi đài báo bão, áp thấp nhiệt đới lại khiến những thầy cô giáo lại ám ảnh, lo sợ cho gia đình và các em HS nơi đây”.
Cũng theo thầy Sơn, đến nay nhà trường vẫn còn thiếu bảy phòng học và 10 giáo viên nhưng các thầy cô giáo luôn động viên nhau cùng cố gắng dạy thật tốt. “Ở đây có những người thầy rời bỏ quê nhà lên trên này gắn bó với con chữ. Có thầy, có cô cũng hơn 20 năm gắn bó với nơi này. Cho nên chúng tôi chỉ có một mong muốn, đó là các em được học con chữ, kiếm cái nghề để được thoát ra khỏi những bó buộc về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và những hủ tục lạc hậu vẫn chưa dứt ở nơi này” - thầy Sơn chia sẻ.
Lớp học bán trú tại Trường THCS Trung Lý, huyện Mường Lát với bàn ghế đã xuống cấp nhưng vẫn đảm bảo sĩ số học sinh. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Nữ sinh nghèo nuôi ước mơ làm y tá
Trong màu áo trắng với khăn quàng đỏ, nước da ngăm đen và có phần nhút nhát nhưng trong suy nghĩ của Châu Thị Xén - nữ sinh lớp 8 Trường THCS Trung Lý lại có phần dày dạn. Em đã chạy thoát khỏi lũ cùng cha mẹ, bỏ lại căn nhà trôi xuống dòng sông Mã cuộn đỏ.
“Đồ dùng học tập, quần áo của em bị cuốn trôi hết. Dưới em vẫn còn hai em nhỏ, một đứa học lớp 6 và một đứa học lớp 2. Còn ba anh chị của em cũng đã lập gia đình cả rồi, không thể giúp được gì cho cha mẹ. Ba chị em đang ở nhà tạm trên rẫy cùng với cha mẹ” - Xén kể.
Khi được hỏi về ước mơ sau này lớn lên sẽ làm gì, Xén cho biết: “Em muốn được làm y tá để chăm sóc, chữa bệnh cho cha mẹ, vì cha m em hay bị đau ốm và chữa bệnh cho những bạn nhỏ ở bản em nữa”. Theo các thầy cô giáo, Xén là trường hợp có gia cảnh rất khó khăn nhưng em học khá tốt và thường xuyên giúp thầy cô dạy học cho các em nhỏ.
Còn Giàng A Phồng, dù đã học lớp 8 nhưng dáng người vẫn còn nhỏ bé như HS lớp 5, cho biết nhà của em cũng bị lũ cuốn trôi. “Em buồn lắm, chỉ muốn ở nhà giúp cha mẹ nhưng nghĩ đến các bạn ở trường và lời động viên của thầy cô rằng học con chữ để sau này không phải khổ nữa nên em mới cố gắng đi học trở lại” - Phồng nói.
“Xén tâm sự về ước mơ trở thành bác sĩ, các thầy trong trường rất mừng bởi luôn mong muốn các em HS dân tộc H’Mông có khát vọng vươn lên học giỏi để thoát ra khỏi suy nghĩ của không ít phụ huynh nơi đây: “Con gái học nhiều mà làm gì, đi lấy chồng thì hơn”” - thầy Pó Ly chia sẻ.
Thiếu trầm trọng bàn ghế
Theo ông Mai Xuân Giang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, những năm gần đây các trường học của huyện bị mưa lũ tàn phá nặng nề, nhiều ngôi trường bị hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy huyện cũng luôn động viên các em tiếp tục đến trường.
Ông Giang cho hay đợt mưa lũ vừa qua cũng đã làm hư hỏng nhiều bàn ghế của HS, giáo viên và trang thiết bị dạy học. Đến nay toàn huyện còn thiếu tới 470 bộ bàn ghế HS, trong đó Trường Tiểu học Mường Chanh thiếu 70 bộ, Trường Tiểu học Pù Nhi thiếu 70 bộ, Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 thiếu 30 bộ, Trường Tiểu học Trung Lý 1 thiếu 30 bộ… Do thiếu bàn ghế trầm trọng nên có tới 940 em HS của huyện phải ngồi ghép khi bước vào năm học mới 2019-2020.
Rời huyện biên giới Mường Lát khi mây mù đã bao phủ khắp bản làng, hình ảnh về HS vùng lũ xúng xính áo trắng, khăn quàng đỏ trong ngày khai giảng như đã và đang làm cho vùng đất này hồi sinh, ươm mầm cho những ước mơ của HS đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Vượt lên khó khăn để khai giảng đúng ngày Quan điểm của huyện là không để vì lý do mưa lũ, lý do gia đình nghèo khó mà các em không được đến trường. Dù khó khăn vẫn còn nhiều nhưng năm nay huyện Mường Lát và ngành giáo dục khắc phục khẩn trương sau lũ để tất cả các trường khai giảng đúng ngày 5-9. Ông LƯƠNG MINH THÔNG, Bí thư Huyện ủy Mường Lát |