Ngày 18-11, ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng Tổ chức Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak (Tây Sơn, Bình Định), xác nhận nhà máy đã tê liệt hoàn toàn.Do ngừng hoạt động đột ngột, các hồ chứa nước của nhà máy này phải xả lũ ồ ạt ra sông Ba khiến người dân hạ lưu gánh trọn hậu quả.
Lũ xộc thẳng vào nhà máy thủy điện
Đã ba ngày sau trận lũ, Nhà máy thủy điện An Khê, nằm trong cụm thủy điện An Khê - Ka Nak, vẫn ngổn ngang như một bãi chiến trường. Toàn bộ hệ thống đê chắn lũ tại sườn núi phía trên nhà máy, kênh dẫn nước phía dưới nhà máy đều bị phá hủy hoàn toàn. Bên trong nhà máy, hai tổ máy ngập ngụa bùn cát, hầu hết cửa kính đều bị lũ đánh vỡ tan tành.
Theo ông Cương, từ 12 giờ đến 16 giờ ngày 15-11, lũ từ trên núi cao hơn 1.000 m của dãy đèo An Khê ầm ầm đổ xuống, phá hủy toàn bộ bốn đê chắn lũ rồi xộc thẳng vào nhà máy, phá hỏng hàng loạt thiết bị, máy móc. Sau đó, lũ tiếp tục đổ ra kênh dẫn, cuốn phăng hệ thống kè hai bên. “Ngay khi thấy lũ quá lớn, nhà máy đã ngừng hoạt động, anh em vận hành kịp thời leo lên tầng ba nên không thiệt hại về người” - ông Cương cho hay.
Một góc đổ nát của khu biệt thự gia đình bà Lê Thị Cẩm Lệ (phường An Phước, thị xã An Khê). Ảnh: TẤN LỘC
Hiện có hơn 200 cán bộ, kỹ sư, công nhân của năm đơn vị đang sửa chữa Nhà máy thủy điện An Khê. Tuy nhiên, trước mắt chỉ dọn dẹp đá cát, bùn đất, sửa chữa kênh dẫn, sau đó mới tháo dỡ các tổ máy để xác định hư hỏng. Theo ông Cương, nhanh nhất là một tháng nhà máy mới có thể khôi phục hoạt động.
Ông Cương cũng thừa nhận trưa 15-11, hai hồ chứa của cụm nhà máy đã xả lũ ra sông Ba với lưu lượng hơn 1.500 m3/giây. Sau khi lũ phá hỏng nhà máy, hai hồ chứa Ka Nak và An Khê đã nâng lưu lượng xả lũ lên trên 2.800 m3/giây.
Xả lũ bất ngờ, dân không kịp chạy
Khi tiếp xúc với chúng tôi, người dân thị xã An Khê (Gia Lai) vẫn chưa hết bàng hoàng về trận lũ đột ngột hôm 15-11. Bà Võ Thị Kim (57 tuổi) kể lại: “Chúng tôi vừa nghe còi hụ thì chỉ 10 phút sau lũ từ phía hồ thủy điện ầm ầm đổ xuống. Trong tích tắc, lũ tràn vào nhà cả mét nước. Ai cũng hoảng loạn tìm chỗ cao để thoát thân chứ không kịp chạy”.
Vợ chồng ông Lương Hữu Khâm thẫn thờ ngồi nhìn khu biệt thự cùng cơ ngơi trị giá hàng chục tỉ đồng bị lũ phá tan hoang. Ông Khâm bức xúc: “Ở đây chưa bao giờ bị ngập nên tôi mới bỏ tiền xây dựng cơ ngơi này. Bây giờ thủy điện đặt quả bom nước khổng lồ ngay trên đầu chúng tôi, chẳng lẽ phải dọn đi nơi khác sinh sống?”. Lân cận nhà ông Khâm, hàng loạt ngôi nhà cũng bị lũ cuốn sập.
Ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, cho biết: “Trong lịch sử, chưa bao giờ cầu sông Ba bị ngập sâu hơn 1 m như vậy. Các hồ thủy điện xả lũ đột ngột mà chỉ thông báo bằng điện thoại, với lưu lượng họ xả sẽ ngập đến đâu ngay cả tôi cũng không thể biết”.
Nhiều cán bộ thị xã An Khê khẳng định chiều 15-11 các hồ Ka Nak, An Khê đã mở hết các cửa xả với lưu lượng rất lớn chứ không chỉ xả với lưu lượng như công ty đã nói. Những người dân thị xã An Khê cho biết họ sẽ yêu cầu phía nhà máy phải bồi thường thiệt hại.
Cụm thủy điện An Khê - Ka Nak có thiết kế hai bậc cách xa nhau hàng chục cây số. Sau khi chảy qua các tuabin của thủy điện bậc trên Ka Nak, nguồn nước lấy từ sông Ba sẽ dồn vào một hồ trung chuyển có dung tích 5,6 triệu m3, theo đường ống xuyên đèo An Khê để đổ dựng đứng xuống thủy điện An Khê ở bậc dưới. Sau đó, nước đổ ra sông Kôn, chảy về hạ lưu Bình Định. Khi Nhà máy thủy điện An Khê ngừng hoạt động, các hồ Ka Nak, An Khê phải xả lũ lưu lượng lớn ra sông Ba để bảo đảm an toàn đập. Đà Nẵng: Trong đợt lũ có 19/56 xã, phường (thuộc huyện Hòa Vang) bị ngập. Trong đó có 30 thôn ngập hoàn toàn. Hiện nước đã rút, các tuyến giao thông chính đã đi lại bình thường. Quảng Nam: Đến nay hầu như tất cả khu vực đã hết ngập, các tuyến giao thông chính đã trở lại bình thường. Có bốn người chết, một người mất tích trong lũ. Quảng Ngãi: Có chín người chết, bốn người mất tích. Đến sáng 18-11, không còn nhà bị ngập, chỉ còn một số đường liên xã, liên thôn ngập cục bộ. Tỉnh đã xuất 30 tấn gạo hỗ trợ cho người dân vùng lũ và đề nghị trung ương hỗ trợ khẩn cấp 2.000 tấn gạo. Bình Định: 16 người chết, một người mất tích. Đến sáng nay chỉ còn một số xã phía đông huyện Tuy Phước (gồm: xã Cát Nhơn, Cát Chánh) và phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) còn ngập. Giao thông đã trở lại bình thường, riêng tuyến đường ĐT 640 vẫn bị chia cắt. Tổng thiệt hại toàn tỉnh lên đến hơn 45 tỉ đồng. Lũ trên các sông miền Trung xuống mức báo động 1. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, khu vực nam biển Đông, bao gồm cả vùng biển phía nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, có mưa rào và giông mạnh. Khu vực bắc biển Đông, bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. NHÓM PV-CTV |
TẤN LỘC